menu search
Đóng menu
Đóng

Hoàn thiện thể chế chính sách BVMT – Yêu cầu tất yếu của hội nhập

08:39 03/06/2016

Năm 2015 có thể gọi là năm của hội nhập kinh tế quốc tế với việc ký kết và/hoặc có hiệu lực của hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do như: EV FTA, KV FTA, TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN. Theo đúng xu thế phát triển chung của thế giới, quá trình hội nhập của Việt Nam bắt đầu từ kinh tế và mở rộng dần sang các lĩnh vực khác. Với bối cảnh hội nhập sâu rộng như vậy, câu hỏi được đặt ra đối với những người xây dựng chính sách, thể chế về môi trường là “Liệu các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên có còn phù hợp hay cần điều chỉnh nội dung gì để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới?”.

Có thể nói tác động của hội nhập kinh tế lên môi trường và tài nguyên ngày càng rõ rệt. Đơn cử như khi Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đàm phán TPP, các văn kiện đàm phán khi ấy vẫn còn trong vòng bí mật thì các nhà đầu tư đã nhanh tay triển khai các dự án dệt may tại Việt Nam nhằm đón đầu xu thế. Tuy nhiên, phản ứng của các bộ, ngành về vấn đề này tương đối chậm. Mãi đến khi TPP kết thúc đàm phán, các cơ quan trung ương mới có văn bản chỉ đạo các địa phương phải lưu ý vấn đề đánh giá tác động môi trường của các dự án dệt may mới. Điều đáng nói là cơ quan ra văn bản này lại là Bộ KH&ĐT chứ không phải Bộ TN&MT. Đây là điều rất đáng lưu tâm bởi hội nhập thương mại sẽ tác động tới tất cả các lĩnh vực của xã hội chứ không riêng các nhóm ngành kinh tế. Do đó, các nhà làm chính sách nói chung, đặc biệt là các nhà hoạch định chính sách về môi trường cần có sự chủ động, nhạy bén để nhận diện và đề xuất các giải pháp phù hợp. Dưới đây là một số nội dung về thể chế, chính sách môi trường mà Việt Nam cần lưu ý trong bối cảnh hội nhập khẩn trương hiện nay.

Giải quyết tranh chấp nhà đầu tư và nhà nước
Nói đến thách thức mà Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt khi tham gia hiệp định thương mại tự do, điều đầu tiên phải nói đến quy định về Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài (ISDS) trong TPP. Quy định này cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được quyền khởi kiện đòi bồi thường khi Chính phủ Việt Nam có những quyết định làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư, gây thiệt hại cho nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên. Trong khi thẩm quyền giải quyết tranh chấp này thuộc về trọng tài quốc tế chứ không phải là tòa án Việt Nam. Nhiều ý kiến phản đối TPP cho rằng quy định này làm hạn chế chủ quyền quốc gia và nếu chấp nhận vào TPP thì chắc chắn “quyền làm luật” của nhà nước sẽ bị hạn chế ít nhiều. Mexico cũng từng ký một thỏa thuận tương tự với Hoa Kỳ trong Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ – NAFTA và Chính phủ nước này đã tốn không ít tiền của bồi thường cho nhà đầu tư Hoa Kỳ khi thay đổi chính sách.
ISDS có thể coi là tác động lớn nhất của hội nhập lên việc xây dựng thể chế, chính sách về môi trường của Việt Nam hiện nay. Việt Nam có thể làm gì để ứng phó với diễn biến mới này? Câu trả lời là: Hãy làm tất cả những gì có thể trong thời gian quy định này chưa có hiệu lực. Trước mắt là việc định hình khung chính sách về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên với tầm nhìn dài hạn thay vì cách làm cũ kiểu “vá săm xe đạp, thủng đâu vá đó”.
Thay đổi cơ cấu ngành nghề kinh tế
Một nguyên lý cơ bản của hội nhập kinh tế quốc tế là sự chuyên môn hóa sản xuất theo từng quốc gia. Đây là thuận lợi nhưng cũng sẽ là khó khăn cho việc bảo vệ môi trường, tài nguyên của Việt Nam. Thuận lợi vì các ngành nghề kinh tế trong nước sẽ thu hẹp phạm vi, lĩnh vực, tạo điều kiện cho việc quản lý môi trường sâu hơn, tập trung hơn với các hướng dẫn kỹ thuật chi tiết hơn. Tuy nhiên, khó khăn dễ nhận thấy là các ngành kinh tế Việt Nam có thế mạnh lại là các ngành sử dụng nhiều tài nguyên hoặc có tác động môi trường lớn. Ví dụ, ngành dệt may, da giày của Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển mạnh, ngược lại, các ngành như chăn nuôi, cơ khí sẽ có xu hướng thu hẹp hơn, thậm chí có nguy cơ biến mất. Thể chế, chính sách về tài nguyên và môi trường theo đó cũng cần được tính toán, xây dựng nhằm thích ứng với sự thay đổi này. Các cơ quan quản lý môi trường cần chủ động quan sát các diễn biến của xu hướng đầu tư theo ngành nghề, đồng thời tập trung nghiên cứu kỹ các biện pháp bảo vệ môi trường dành cho các ngành mà Việt Nam đang có xu hướng phát triển mạnh. Cuối cùng, cần đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường phù hợp cho từng ngành với những hướng dẫn kỹ thuật về bảo vệ môi trường cụ thể.
Hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa, nguyên liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ
Hội nhập chắc chắn sẽ kéo theo sự lưu thông mạnh mẽ của hàng hóa, nguyên liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ qua biên giới. Việc sử dụng các rào cản kỹ thuật để hạn chế tác động môi trường do hoạt động nhập khẩu/chuyển giao các sản phẩm này là vô cùng quan trọng. Các hiệp định thương mại tự do đều cho phép các quốc gia tự xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ lợi ích về tài nguyên, môi trường nội địa. Tuy nhiên, việc xây dựng các quy định này luôn đòi hỏi phải đáp ứng một số nguyên tắc sau:
Không phân biệt đối xử
Đây là một trong những yêu cầu mà Việt Nam đã cam kết từ khi gia nhập WTO. Về cơ bản, các quy định về hội nhập gần đây không khác các cam kết đã có. Tuy nhiên, do nhu cầu bảo vệ lợi ích trong nước trước các sản phẩm nhập khẩu tăng lên nên chắc chắn nguyên tắc này cần được quán triệt một cách nghiêm túc hơn. Thêm điểm đáng lưu ý là mặc dù có sự tương đồng, song cơ chế thực thi các hiệp định thương mại trong xu thế hội nhập cũng có sự khác biệt, WTO tương đối lỏng lẻo trong khi cơ chế bảo đảm thực thi của TPP cao hơn rất nhiều. Chính vì vậy, nguy cơ các quy định về bảo vệ môi trường của Việt Nam vi phạm sẽ cao hơn.
Minh bạch
Việc xây dựng chính sách, thể chế về môi trường đòi hỏi sự minh bạch từ khâu soạn thảo, lấy ý kiến cho đến việc ban hành và thực thi. Tương tự như tiêu chí “không phân biệt đối xử”, yêu cầu của các hiệp định thương mại mới cũng không cao hơn WTO nhưng thực thi sẽ nghiêm túc hơn. Muốn thực thi nghiêm túc thì tất yếu cần minh bạch.
Tiêu chuẩn quốc tế và công nhận lẫn nhau
Nguyên tắc này chỉ dừng lại ở việc khuyến khích. Trên thực tế, Việt Nam chưa chủ động thực hiện nguyên tắc này. Đối với rất nhiều loại hàng hóa, Việt Nam vẫn áp dụng phương pháp kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu hải quan chứ chưa thống nhất với các tiêu chuẩn quốc tế và trực tiếp công nhận/chứng nhận chất lượng hàng hóa, nguyên liệu, máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ đã được thẩm định tại nước ngoài. Với sức ép ngày càng lớn từ yêu cầu thông quan nhanh chóng đối với các hàng hóa xuất nhập khẩu như vậy, các thể chế, chính sách về vấn đề này cần sớm được sửa đổi để vẫn bảo đảm mục tiêu quản lý, bảo vệ môi trường mà không làm ảnh hưởng đến quá trình hội nhập thương mại của Việt Nam.
Phát triển công nghiệp môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Đây là hai nội dung lần đầu tiên Việt Nam có cam kết trong TPP. Theo đó, Việt Nam phải có chính sách để phát triển công nghiệp môi trường, mở cửa thị trường này cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài. Đối với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thì Việt Nam cũng phải có chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp trong việc thực hiện các trách nhiệm xã hội. Đây là các nội dung vẫn còn thiếu trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.
Tận dụng các áp lực về thương mại của nước ngoài để bảo vệ môi trường, tài nguyên trong nước
Các cam kết hội nhập kinh tế của Việt Nam sắp tới sẽ cho phép các quốc gia khác được đặt điều kiện đối với quá trình sản xuất hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào quốc gia đó. Nói cách khác, một quốc gia khác có thể cấm nhập khẩu hàng hóa đến từ Việt Nam nếu quá trình sản xuất ra hàng hóa đó gây tác động xấu đến môi trường. Ví dụ, cấm nhập khẩu các sản phẩm được sản xuất từ gỗ không có nguồn gốc hợp pháp, cấm nhập khẩu cá được đánh bắt bằng phương pháp không thân thiện với môi trường… Đây là một tác động tích cực của việc gia nhập các hiệp định thương mại đối với công tác bảo vệ môi trường của Việt Nam cũng như các quốc gia. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy việc các quốc gia khác áp dụng biện pháp như trên thường xuất phát từ các lợi ích thương mại và được ngụy trang dưới hình thức bảo vệ môi trường. Từ thực tiễn này, cơ quan nhà nước về quản lý môi trường của Việt Nam cần chủ động các biện pháp để có thể trợ giúp kỹ thuật đối với các đơn vị sản xuất trong nước để bảo đảm các mục tiêu quản lý môi trường, đồng thời bảo đảm rằng hàng hóa của Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Việc hợp tác với chính quyền nước nhập khẩu để kiểm soát hàng hóa từ giai đoạn sản xuất cũng có thể sẽ là một nội dung mới trong chức năng, trách nhiệm của cơ quan bảo vệ môi trường Việt Nam.
Xuất khẩu khoáng sản, gỗ, nguyên liệu thô
Hiện nay, chính sách bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào các quy định hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu thô thông qua tiêu chuẩn, điều kiện và thuế xuất khẩu. Trong các cam kết quốc tế về hội nhập, Việt Nam sẽ phải gỡ bỏ phần lớn các quy định này, do đó, chính sách quản lý tài nguyên sẽ cần có sửa đổi phù hợp. Cụ thể, các điều kiện, tiêu chuẩn hay thuế không được phép đánh tại biên giới nữa mà phải chuyển thành các quy định nội địa, áp dụng thống nhất cho cả hàng hóa trong nước và xuất khẩu. Đây sẽ là thách thức khó khăn hơn cho các cơ quan quản lý môi trường của Việt Nam vì việc đặt ra và thực thi các quy định trong nước đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn là kiểm soát tại cửa khẩu.
Ứng phó với biến đổi khí hậu
Nói đến quá trình hội nhập của Việt Nam về tài nguyên môi trường không thể bỏ qua Thỏa thuận Paris về BĐKH. Mặc dù chưa được ký kết chính thức, song các nội dung của Thỏa thuận này cũng sẽ có tác động tương đối lớn đến thể chế, chính sách về môi trường của Việt Nam.
Cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính
Thỏa thuận Paris yêu cầu Việt Nam cam kết cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính với mức cắt giảm được đưa ra 5 năm một lần, lần sau phải cao hơn lần trước. Việc này sẽ có tác động tích cực đến môi trường của Việt Nam bởi các vấn đề lớn nhất của nghĩa vụ này là phải hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch, đặc biệt là than và dầu khí. Đây đều là các nguồn năng lượng sử dụng tài nguyên và tác động môi trường lớn. Hầu hết việc cắt giảm phát thải trong tất cả các lĩnh vực từ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều sẽ có những tác động tích cực nhất định đến việc bảo vệ môi trường và tài nguyên. Tổng lượng phát thải còn phải tính toán đến cả diện tích rừng, do đó sẽ có tác động tốt đến việc tăng độ che phủ rừng toàn quốc.
Đầu ra phát thải chuyển nhượng quốc tế
Cơ chế hỗ trợ phát triển bền vững trong Thỏa thuận Paris kế thừa Cơ chế phát triển sạch của Nghị định thư Kyoto nhưng sẽ hoàn thiện hơn. Điều này sẽ giúp tăng các khoản đầu tư vào các dự án phát triển bền vững của Việt Nam.
Thích ứng với biến đổi khí hậu
Công tác thích ứng với BĐKH sẽ được tăng cường theo Thỏa thuận Paris. Với ngân quỹ dự kiến ở mức 100 tỷ đô la mỗi năm, nguồn kinh phí này sẽ được phân bổ cho cả các dự án cắt giảm và thích ứng. Việc thích ứng với BĐKH của Việt Nam nhờ đó sẽ có thêm kinh phí để thực hiện.
Tóm lại, trong bối cảnh hội nhập mới, thể chế, chính sách về bảo vệ môi trường và tài nguyên của Việt Nam cần được xây dựng với tầm nhìn dài hạn, tránh việc phải sửa đổi thường xuyên. Ngoài ra, cần tập trung cho các hướng dẫn kỹ thuật cho từng ngành kinh tế cụ thể; xây dựng các hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa, sản phẩm dịch chuyển qua biên giới phù hợp với các nguyên tắc chung về thương mại như không phân biện đối xử, minh bạch, ưu tiên tiêu chuẩn quốc tế và công nhận lẫn nhau.
Song song với đó, cần ban hành các chính sách về phát triển công nghiệp môi trường và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; tận dụng và chuẩn bị các công cụ để bảo vệ môi trường, tài nguyên đối với việc sản xuất hàng xuất khẩu.
Thêm nữa, cần dịch chuyển từ việc sử dụng các công cụ quản lý tại biên giới sang quy định pháp luật nội địa đối với tài nguyên xuất khẩu; tận dụng các cơ hội mới đem lại từ Thỏa thuận Paris về các vấn đề như cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính, cơ chế khuyến khích phát triển bền vững và thích ứng với BĐKH.
Nguyễn Minh Đức, Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam
Nguồn: vacne.org.vn/ Bản tin Chính sách số 20/PanNature