Song đây cũng là lúc nhiều rào cản kỹ thuật đang được các quốc gia sử dụng triệt để như một biện pháp nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, trong khi ở nước ta, các tiêu chuẩn về chất lượng nông sản vẫn chưa được “phủ sóng” đến toàn bộ người sản xuất và doanh nghiệp, khiến hầu hết sản phẩm không có thông số chất lượng. Điều này đang tạo nên không ít rào cản cho người nông dân Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Nhiều năm trở lại đây, “giải cứu nông sản” đã trở thành cụm từ quen thuộc khi mà đến vụ thu hoạch là hàng loạt nông sản sụt giảm giá nghiêm trọng, thậm chí phải đổ bỏ vì không thể tiêu thụ. Vì thế đã hình thành các phong trào “giải cứu” mang tính tự phát, từ giải cứu dưa hấu, thanh long, khoai tây, súp lơ, thậm chí đến giải cứu tỏi, ớt, đường... Điểm chung là hầu hết các sản phẩm này đều được trồng đại trà, không theo quy hoạch, không tìm hiểu thị trường tiêu thụ, cũng không có nhãn mác, xuất xứ hàng hóa hay các thông số tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan. Trong quá trình “giải cứu”, việc mua - bán chủ yếu xuất phát từ ý muốn giúp đỡ của cộng đồng với người nông dân, chứ không phải vì chất lượng sản phẩm. Cùng với hiện tượng “giải cứu nông sản”, còn một hiện tượng khác nổi lên là thị trường mua bán các sản phẩm “quê” như: gạo quê, gà quê, rau quả quê,… nghĩa là trên một khía cạnh nào đó đã cố gắng gắn “mác” để người tiêu dùng an tâm về tâm lý, trong khi thực chất những sản phẩm này cũng không hề có tiêu chí chất lượng.
Từ hai hiện tượng nêu trên có thể thấy, nhiều hàng hóa nông sản do nông dân chúng ta sản xuất hầu như chưa theo tiêu chuẩn cụ thể nào, chủ yếu chạy theo số lượng,... vì thế liên tục rơi vào tình trạng “được mùa mất giá”, thậm chí mất mùa cũng vẫn mất giá. Trong khi yêu cầu về chất lượng và tính an toàn sản phẩm của người tiêu dùng ngày càng cao. Với nhiều người tiêu dùng, nếu không phải là hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc rõ ràng, họ sẵn sàng trao niềm tin cho các hàng hóa có gắn mác “quê”, bởi ít nhiều có thể biết được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm cũng như người sản xuất.
Thiếu tiêu chuẩn theo quy định không chỉ làm nông sản lao đao trong nước mà ở thị trường xuất khẩu, nhiều nông sản cũng gặp khó khăn. Tiêu biểu như: chất cấm trong cá tra, tôm xuất khẩu, trong chè, gạo, trái cây… bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và các cơ quan kiểm định châu Âu cảnh báo. Mới đây nhất là hải sản khai thác của Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” cảnh báo vì vi phạm các nguyên tắc IUU (chương trình chống các hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định). Theo đó, nếu muốn giữ vững thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản phải kiên quyết không thu mua hải sản của các tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép, không có nhật ký, khai thác bằng công cụ cấm,… hoặc những sản phẩm đánh bắt có kích cỡ nhỏ hơn quy định. Đây là một thách thức lớn mà ngành thủy sản nước ta đang phải đối mặt để có thể tháo gỡ “thẻ vàng” trong thời gian sớm nhất. Có thể thấy, rào cản kỹ thuật áp lên nông sản, thủy sản của thị trường thế giới ngày càng đa dạng, không chỉ là chất cấm, kháng sinh, mà còn cả về pháp luật và tính nhân văn.
Muốn hội nhập quốc tế, nông sản Viêt Nam bắt buộc phải đáp ứng những tiêu chuẩn ngặt nghèo nêu trên. Cục trưởng Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Hoàng Trung cho biết: Hiện nay, hàng rào kỹ thuật lớn nhất đối với các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam là kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Đây cũng là hàng rào đang được các quốc gia nhập khẩu nâng lên ở mức rất cao. Cụ thể với kiểm dịch thực vật, các nước hầu như đòi hỏi nước xuất khẩu phải cung cấp một bộ tài liệu kỹ thuật rất chi tiết về thành phần dịch hại, biện pháp phòng trừ, sản lượng, phân bố vùng trồng,... trong khi thời gian để phân tích nguy cơ dịch hại làm cơ sở để mở cửa thị trường cho một loại sản phẩm lại rất lâu, có nước kéo dài đến hàng chục năm, làm cho công việc này vừa mất thời gian vừa tốn kém. Còn với an toàn thực phẩm, nhiều mức dư lượng đang được các nước châu Âu, Mỹ quy định ở mức là 0 hoặc rất thấp. Trong khi đó, hiện tại hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam ở quy mô vừa và nhỏ, năng lực đầu tư khoa học - công nghệ về bảo quản, chế biến và tổ chức vùng nguyên liệu còn yếu cho nên khó đáp ứng yêu cầu. Chưa kể vẫn còn hiện tượng kinh doanh chụp giật, gian lận khi xuất khẩu và làm thủ tục kiểm dịch thực vật, cạnh tranh không lành mạnh làm giảm uy tín hàng nông sản Việt Nam, làm mất thị trường mà chúng ta phải vượt qua nhiều khó khăn, tốn kém chi phí mới mở cửa được...
Trong khi ngành nông nghiệp vẫn đang loay hoay xây dựng chất lượng với những tiêu chuẩn cụ thể cho các sản phẩm mũi nhọn như gạo, cà-phê, trái cây, thủy sản… thì không ít nông sản của nhiều quốc gia trong khu vực đã giành thắng lợi trên thị trường thế giới như: muối, tiêu Kampot (Cam-pu-chia), ớt, dừa, sầu riêng (Thái-lan)… Có được điều này là nhờ vào nhận thức, tư duy sản xuất của người nông dân, coi trọng tiêu chuẩn trong sản phẩm của mình - điều mà không ít nông dân Việt Nam còn rất mơ hồ. Trên thực tế, để thực hiện tiêu chuẩn nông sản chỉ có cách tạo nhận thức, hướng dẫn nông dân và tiến hành làm chứng nhận, sau đó liên tục kiểm tra việc tuân thủ cho đến khi nông dân quen, thành tự nhận thức và tuân thủ tự nguyện, vì lợi ích của chính mình. Tuy nhiên, điều này đối với nông dân ở nước ta không hề dễ dàng. Tại hội thảo quốc tế năm 2017 về những yêu cầu mới đối với tiêu chuẩn chất lượng để nông sản, thực phẩm Việt Nam hội nhập, bà Ino Mayu (I-nô Mây-u) - chuyên gia nông nghiệp hữu cơ Nhật Bản - người có quá trình 20 năm làm việc với nông dân Việt Nam trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã đưa ra số liệu rất đáng lo ngại: chỉ có 5 đến 10% số nông dân quan tâm đến sản xuất nông nghiệp sạch, cũng chỉ có 5% trong số đó tuân thủ quy tắc và thành công. Thí dụ tại tỉnh Bến Tre, một mô hình nông nghiệp hữu cơ với 400 hộ tham gia nhưng chỉ có 20 hộ tuân thủ đúng quy định và đã thành công. Ngại tuân thủ quy định, tiêu chuẩn; ngại áp dụng phương pháp mới; ngại ghi nhật ký đồng ruộng,... chính là các rào cản tâm lý lớn nhất của nông dân Việt Nam khi tham gia vào những mô hình sản xuất đòi hỏi phải đáp ứng tiêu chí cụ thể rất khắt khe. Cũng giống như nông sản, nghề cá của Việt Nam bao đời nay hoạt động theo kiểu truyền thống, thiếu chuyên nghiệp cho nên việc vận động và yêu cầu ngư dân tuân thủ triệt để các quy định quốc tế không hề dễ dàng. Vì vậy, cảnh báo “thẻ vàng” đối với hải sản khai thác từ EU đang đòi hỏi những nỗ lực thay đổi rất lớn từ phía ngư dân trong quá trình đánh bắt hải sản của mình, phải chuyên nghiệp theo đúng chuẩn quốc tế thì mới có thể bán được hàng và nghề cá Việt Nam mới có thể tồn tại, phát triển.
Tuy nhiên, chỉ có nông dân thì không thể xoay xở hiệu quả trong việc tạo ra các sản phẩm theo tiêu chuẩn, mà còn cần sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các đơn vị quản lý nhà nước có liên quan. Chẳng hạn, không thể cho rằng việc kiểm dịch thực vật đang gây nhiều khó khăn cho việc đáp ứng tiêu chuẩn nông sản xuất khẩu, bởi việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học và phân bón vô cơ của người dân vẫn đang là thực trạng phổ biến, rất đáng báo động. Ở góc độ chuyên môn, Cục trưởng Bảo vệ thực vật Hoàng Trung khẳng định: Muốn có sản phẩm sạch thì phải có một danh mục thuốc bảo vệ thực vật thật sự hiệu quả, an toàn, thân thiện với môi trường. Để làm được điều này, nhiệm vụ trước mắt là phải quản lý chặt đầu vào khảo nghiệm, loại bỏ được các loại thuốc kém chất lượng, độc hại với con người và môi trường. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở dữ liệu và các căn cứ khoa học liên quan vấn đề này còn thiếu, việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật khỏi danh mục gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục hiện cũng đang mất cân đối, chủ yếu là thuốc phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa, các đối tượng cây trồng khác chưa được tập trung phát triển. Chưa kể, số lượng nhà máy sản xuất (735 nhà máy) cũng như sản phẩm phân bón (gần 20 nghìn sản phẩm) đang rất lớn và mất cân đối, chủ yếu là phân bón vô cơ. Cũng cần phải lưu ý rằng, hiện đang còn khoảng hơn 200 chỉ tiêu chất lượng, bao gồm cả vi sinh và hóa lý, đã được công bố trong các sản phẩm phân bón nhưng chưa có phương pháp thử được phê duyệt trong nước đang tạo ra áp lực không nhỏ cho công tác quản lý nhà nước. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2021, rút ngắn 30% số lượng tên thương phẩm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; tăng 30% lượng thuốc bảo vệ sinh học được đăng ký và sử dụng; tăng lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp để sử dụng trong nước ít nhất là ba triệu tấn/năm; tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ so với tổng số sản phẩm phân bón từ 5% hiện nay lên 10%.
Cùng với việc quản lý vật tư nông nghiệp, việc đẩy mạnh liên kết sản xuất là giải pháp không thể thiếu. Bởi muốn có một khối lượng nông sản lớn, chất lượng đồng đều, giao hàng đúng lúc, đạt tiêu chuẩn thì việc phát triển các chuỗi liên kết là xu hướng tất yếu. Chỉ bằng cách hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, bài toán về sản phẩm xuất khẩu, kiểm soát an toàn thực phẩm và ứng dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp mới có thể giải quyết triệt để. Với xu thế chung của thế giới, Việt Nam cần nhanh chóng hình thành và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, cần giải quyết các vấn đề lớn của nền nông nghiệp như: có quỹ đất đủ lớn, liền vùng, liền mảnh để triển khai sản xuất, sử dụng thiết bị cơ giới hiện đại; ổn định đầu ra sản phẩm không chỉ trong nước mà quan trọng hơn là xuất khẩu khối lượng lớn; có cơ chế chính sách ưu đãi đối với những tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi liên kết để bảo đảm họ có thể theo đuổi lâu dài và bền vững...
Nguồn: Thùy Anh/Nhandan.com.vn