menu search
Đóng menu
Đóng

Sức nóng từ hội nhập

09:51 31/05/2016

Sức nóng hội nhập với kinh tế toàn cầu đang lan tỏa khắp mọi ngóc ngách, lĩnh vực tại Việt Nam.

Sau Metro, Big C tại Việt Nam cũng được chuyển giao cho người Thái. Những thương vụ quy mô này cho thấy, thị trường Việt Nam có sức hút mãnh liệt đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Thương vụ mới nhất phần thắng thuộc về Nguyễn Kim, khi thành công mua Zalora trước sự cạnh tranh quyết liệt của các đối thủ từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, tuy hiện tại người Thái Lan vẫn nắm 49% cổ phần tại Nguyễn Kim.
Sức nóng hội nhập với kinh tế toàn cầu đang lan tỏa khắp mọi ngóc ngách, lĩnh vực tại Việt Nam. Chuyên gia kinh tế Lê Thẩm Dương chia sẻ, cái cần nhất của doanh nghiệp trong nước hiện tại chính là củng cố, bảo vệ thị trường nội địa, vì đây mới là nơi giải quyết đầu ra ổn định và bền vững cho mỗi doanh nghiệp. Ở một số nhóm mặt hàng như thực phẩm, may mặc, gỗ, điện tử… trình độ sản xuất của Việt Nam đã tiệm cận với trình độ sản xuất của các nước phát triển. Tuy nhiên, nghịch lý là ở chỗ, người tiêu dùng lại có xu hướng lựa chọn hàng ngoại nhập, cho dù mặt hàng đó có giá chênh lệch khá cao so với hàng sản xuất trong nước.
Tại Bình Dương, một số doanh nghiệp may mặc, giày da đã chủ động phát triển thị phần trong nước bằng chất lượng và giá cả cạnh tranh. Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cũng đã nhận thấy sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp cùng ngành đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc… nên cũng đã chú trọng đầu tư nhiều hơn vào thị trường trong nước để bớt lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu.
Những thương vụ mua bán đang diễn ra rầm rộ tác động lớn đến hầu hết doanh nghiệp trong nước. Khi lòng tự tôn bị thử thách, chắc chắn những doanh nhân Việt sẽ có các bước ứng phó, thích nghi kịp thời. Đây là cú hích để nâng trình độ sản xuất và chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước để đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Nguồn: Hoàng Phong/baobinhduong.vn