menu search
Đóng menu
Đóng

Tận dụng cơ hội từ các FTA: Phát huy lợi thế ngành dệt may

22:20 18/01/2018

Vinanet - Với trên 6.000 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng xấp xỉ 15% tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) cả nước năm 2017, ngành dệt may Việt Nam đã và đang giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, việc tận dụng cơ hội từ các FTA là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới.
Tăng trưởng trong khó khăn
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - cho biết, năm qua, ngành gặp nhiều thách thức từ việc giảm cầu của nhiều thị trường nhập khẩu (NK) trong khi dư chấn sụt giảm XK từ cuối năm 2016, đầu năm 2017 vẫn rất lớn.
Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp tiếp cận thị trường, kim ngạch XK và thị phần hàng dệt may năm 2017 vẫn tăng so với năm 2016. Cụ thể, XK sang Mỹ tăng 7,2%, thị phần tăng từ 10% lên 11%; sang EU tăng 9,23%, thị phần tăng từ 1,4% lên 1,6%; sang Nhật Bản tăng 6,1%, thị phần tăng từ 8,7% lên 9,5%; sang Hàn Quốc tăng 11,8%, thị phần tăng từ 19% lên 20,6% và sang Nga tăng 56%, thị phần tăng từ 1,3% lên 1,8%...
Đặc biệt, nếu so sánh tương quan với các đối thủ cạnh tranh chính về XK dệt may, như: Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia… thì tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cao nhất trong nhóm. Kim ngạch XK toàn ngành dệt may vẫn đạt trên 31 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2016.
Tận dụng tốt cơ hội
Theo VITAS, có được kết quả trên, ngoài việc nâng cao năng lực sản xuất, quản trị DN để tăng hiệu quả kinh doanh, các yếu tố ngoại lực khác cũng ảnh hưởng lớn đến các DN trong ngành. Một trong những yếu tố đó là cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã có hiệu lực hoặc được ký kết, qua đó tạo điều kiện cho dệt may mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng mới. Cụ thể, Hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đóng vai trò không nhỏ trong tăng trưởng XK dệt may. XK sang Hàn Quốc năm 2016 đạt 2,6 tỷ USD, tăng 9,5% và năm 2017 đạt 2,9 tỷ USD, tăng 11,8%.
Ngoài ra, FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN - EAEU) cũng đã giúp kim ngạch XK dệt may của Việt Nam sang Nga tăng trưởng mạnh, từ mức 84,8 triệu USD năm 2015 lên khoảng 172 triệu USD năm 2017.
Bên cạnh đó, việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) cũng tác động tích cực, giúp nâng kim ngạch XK dệt may của Việt Nam sang thị trường ASEAN từ 1 tỷ USD năm 2015 lên 1,35 tỷ USD năm 2017. Tương tự với Trung Quốc, hệ quả tích cực từ Hiệp định Khung về Hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc; Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc và Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam - Trung Quốc là kim ngạch XK dệt may của Việt Nam sang quốc gia này liên tục cải thiện, từ 2,2 tỷ USD năm 2015 lên 3,2 tỷ USD năm 2017.
Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS - trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu, rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, dư địa thị trường cho hàng dệt may Việt Nam là rất lớn. Để tận dụng những lợi thế này, bên cạnh việc tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực nguồn cung thiếu hụt: Dệt, nhuộm, thiết kế…; tăng cường giải pháp phát triển thương hiệu trên thị trường nước ngoài…, việc chủ động tìm hiểu, nâng cao nhận thức về các FTA để tận dụng những lợi thế của các hiệp định này hết sức cần thiết.
Ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch VITAS: Với các FTA mà Việt Nam tham gia và chuẩn bị có hiệu lực, đề nghị Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan sớm đưa ra các hướng dẫn và khuyến cáo cho DN, đồng thời, xây dựng và triển khai chiến lược phát triển thương hiệu dệt may Việt Nam ra thị trường thế giới.
Nguồn: Baocongthuong.com.vn