Đây là nhận định của nghị sỹ Quốc hội Campuchia Suos Yara trên bài viết được đăng trên diễn đàn Đông Á. Theo đó, cho dù việc thực hiện các mục tiêu kinh tế của Cộng đồng ASEAN đạt được một số tiến bộ đáng kể, nhưng các mục tiêu an ninh-chính trị và văn hóa-xã hội vẫn còn nhiều việc phải làm.
Vai trò an ninh khu vực của ASEAN đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây nhờ có sự công nhận quốc tế và sự ủng hộ của các đối tác đối thoại. Các cơ chế do ASEAN lãnh đạo đã được hình thành nhằm thúc đẩy đối thoại khu vực, xây dựng lòng tin và quan hệ đối tác.
Tuy vậy, sức mạnh bên trong của ASEAN vẫn còn mong manh do sự khác nhau về giá trị và hệ thống chính trị, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa cực đoan và quản lý yếu kém.
ASEAN cần có một tầm nhìn dài hạn để dần dần tăng thêm sức mạnh nội khối, linh hoạt hơn trong việc thực hiện nguyên tắc không can thiệp cũng như cởi mở hơn với các giá trị dân chủ và nhân quyền.
Về vấn đề an ninh-chính trị, vấn đề chính của ASEAN hiện nay là còn thiếu chính sách đối ngoại chung đối với các nước lớn. ASEAN cũng rất khó khăn để đạt được bất kỳ sự đồng thuận nào trong một số vấn đề nhất định về an ninh và chính trị. Việc thực thi các thể chế khu vực dựa trên luật trị - đặc biệt là Hiến chương ASEAN - vẫn còn hạn chế.
Hiến chương ASEAN là một tập hợp nguyên tắc cốt lõi để định hướng các mối quan hệ đối nội và đối ngoại. Những nguyên tắc này bao gồm việc tuân thủ pháp luật, quản lý tốt, dân chủ, tự do cơ bản, nhân quyền và công bằng xã hội. Hiến chương này cũng nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong các quan hệ đối ngoại trong khi vẫn tích cực tham gia, hướng ngoại và không phân biệt đối xử.
Sự đối đầu leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ đang khiến nhiều nước ASEAN đau đầu. Các nước thành viên ASEAN không quan tâm đến việc phải lựa chọn bên nào, nhưng nếu họ bị buộc phải làm vậy, không rõ điều gì sẽ xảy ra với sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN.
Sự khác biệt trong cách quản lý của các quốc gia thành viên ASEAN là một vấn đề khác, nhất là về quản lý nhà nước và thể chế dân chủ.
Việc hiện thực hóa một cộng đồng chính trị và an ninh ASEAN thực thụ là điều rất khó khăn do sự khác nhau về hệ thống chính trị và giá trị, mức độ quản lý, các thể chế dân chủ và khoảng cách phát triển. Vai trò trung tâm của ASEAN không thể được duy trì nếu không có sự đoàn kết và thống nhất.
Do đó, ASEAN phải nhấn mạnh giá trị cốt lõi và bản sắc cũng như mức độ tin cậy về chính trị và chiến lược… Bằng cách này, các nước ASEAN có thể tăng cường quan hệ nội khối và sẽ phải quyết tâm hơn để bảo vệ các giá trị cốt lõi và lợi ích của khối.
ASEAN cũng cần phải tăng cường hợp tác khu vực và xây dựng năng lực. Các biện pháp xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa, quản lý khủng hoảng và giải quyết xung đột nên được thúc đẩy đồng thời. ASEAN có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lòng tin thông qua đối thoại và ngăn ngừa xung đột leo thang.
Những thành tựu của Cộng đồng ASEAN vẫn còn khiêm tốn. Ảnh: moit.gov.vn.
Trọng tài bên thứ ba và luật pháp quốc tế là các yếu tố cần được tính đến nếu các đàm phán song phương không tạo được lòng tin hoặc hai bên tranh chấp không thể tìm ra giải pháp song phương. Việc giải quyết tranh chấp biên giới Campuchia-Thái Lan là một ví dụ điển hình, trong đó cả hai nước này đều nhờ cậy Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).
Chủ nghĩa dân tộc - chủ yếu là do động lực chính trị trong nước và phương tiện truyền thông - vẫn còn đậm nét ở các nước ASEAN. Các đảng phái chính trị theo chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy đã bám rễ sâu trong khu vực và xu hướng này có khả năng làm “trật bánh” các dự án khu vực đầy tham vọng của ASEAN.
Trào lưu tôn giáo chính thống và chủ nghĩa cực đoan vẫn là mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định của khu vực. Mặc dù Đông Nam Á không phải đối mặt với nhiều mối đe dọa khủng bố so với các khu vực khác, nhưng xã hội Đông Nam Á lại dễ bị tổn thương trước làn sóng tự cực đoan hóa, trừ phi các tổ chức xã hội và chính trị được đặt đúng chỗ.
Các giá trị hòa bình và giáo dục chưa được thực hiện đầy đủ. Viện nghiên cứu Hòa bình và Hòa giải ASEAN hoạt động không hiệu quả do thiếu năng lực lãnh đạo và nguồn lực tài chính. Các viện nghiên cứu của ASEAN cần tập trung vào các hoạt động chính trị của các nước lớn chứ không chỉ tìm cách quản lý và giải quyết xung đột trong khu vực.
Khoảng cách phát triển vừa là vấn đề an ninh, vừa là vấn đề kinh tế-xã hội. Một ASEAN hai tầng hoặc nhiều tầng rất dễ bị tan rã hoặc chia rẽ. Các nước thành viên kém phát triển của ASEAN sẽ lựa chọn con đường chiến lược của riêng mình nếu họ cảm thấy ASEAN không thể giúp họ bắt kịp với các thành viên khác.
Cảm giác bị bỏ lại đằng sau sẽ buộc họ tìm cách xích lại gần hơn với các nước lớn vì sự sống còn và lợi ích. Để củng cố ASEAN, chúng ta cần phải thu hẹp khoảng cách phát triển và bảo đảm rằng tất cả lợi ích từ các dự án xây dựng Cộng đồng ASEAN phải bảo đảm công bằng cho các nước thành viên.
Hiến chương ASEAN và Cộng đồng ASEAN đề ra các giá trị cốt lõi và tầm nhìn của ASEAN cũng như các kế hoạch hành động dài hạn. Tuy nhiên, việc thực hiện các giá trị này còn trì trệ. ASEAN cần phải cập nhật Hiến chương và các kế hoạch chi tiết của mình để củng cố Cộng đồng ASEAN bao gồm các biện pháp thực thi có ràng buộc trách nhiệm.
Các quốc gia thành viên cần phải có nhận thức rằng nếu không xây dựng các giá trị cốt lõi, ASEAN sẽ khó trở thành một khối gắn kết và không thể đem lại lợi ích cho các nước thành viên.