menu search
Đóng menu
Đóng

Tham gia hiệp định CPTPP: Đánh bắt xa bờ nhưng đừng quên sân nhà

15:49 02/12/2018

Vinanet - Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết như vậy tại hội thảo CPTPP: Cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt Nam do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức tại Hà Nội ngày 28/11/2018.
Đánh bắt xa bờ, đừng quên sân nhà
Ông Ngô Chung Khanh cho biết, thời điểm trên là hoàn toàn tuân theo quy định của hiệp định CPTPP (hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) theo đó hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi phê duyệt. Việt Nam là nước thứ 7 trong số 11 nước thành viên CPTPP phê chuẩn hiệp định này. Với nhóm 6 nước thành viên phê chuẩn trước đó, CPTPP sẽ có hiệu lực từ ngày 30/12/2018.
Điều này cũng có nghĩa là kể từ thời điểm 14/1/2019, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP sẽ bắt đầu được hưởng các chế độ cắt giảm thuế. Đổi lại Việt Nam cũng sẽ dành cho các nước trong CPTPP các ưu đãi về thuế theo đúng cam kết. Theo chuyên gia kinh tế TS. Võ Trí Thành, đây là điểm các doanh nghiệp Việt Nam có công chuyện làm ăn tại các thị trường CPTPP cần hết sức lưu ý.
Vẫn theo ông Ngô Chung Khanh, hiện dự thảo kế hoạch hành động của Chính phủ Việt Nam thực hiện hiệp định CPTPP đang được lấy ý kiến các bộ ngành để có thể trình Chính phủ ban hành cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12/2018. Tuy nhiên liên quan đến việc thực thi hiệp định CPTPP, điều đáng được quan tâm là hiện nhiều quy định của CPTPP vẫn còn chưa được hiểu rõ tại Việt Nam, ngay cả cấp trung ương theo nhìn nhận của ông Ngô Chung Khanh.
Một câu chuyện khác liên quan đến hiệp định CPTPP là trong số 11 nước thành viên tham gia hiệp định, có hai nước Canada và Mexico cũng vừa hoàn tất thương thảo hiệp định thương mại với Hoa Kỳ (USMCA), thường được gọi là NAFTA phiên bản 2. USMCA hiện đang được trông đợi Quốc hội các nước này phê chuẩn và chưa xác định thời điểm có hiệu lực nhưng theo các chuyên gia chắc chắn là sau thời điểm 30/12/2018.
Theo các chuyên gia, việc Canada và Mexico đẩy nhanh tiến độ phê chuẩn hiệp định CPTPP có thể giúp hai nước này tránh được một quy định của hiệp định USMCA theo đó Hoa Kỳ sẽ xem xét lại nội dung của hiệp định này nếu Canada và Mexico có những thỏa thuận thương mại mang tính tự do với các nước chưa có được nền kinh tế thị trường theo quan điểm của Hoa Kỳ. Một số chuyên gia đi xa hơn khi cho rằng việc Việt Nam đúc kết được CPTPP có thể được xem là đồng nghĩa với việc có thêm các bản hiệp định thương mại tự do với Canada và Mexico.
Theo nhìn nhận của ông Ngô Chung Khanh, câu chuyện doanh nghiêp Việt cần phải tận dụng các cơ hội mà hiệp định CPTPP mang lại về ưu đãi thuế, cải cách thể chế để mở rộng thị trường là điều không còn gì phải bàn cãi. Nhưng quan trọng hơn, theo ông Khanh, nó cho thấy sự cần thiết phải thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh, không chỉ chăm chăm đi xuất khẩu mà còn phải chú trọng tới cả đáp ứng nhu cầu trong nước và cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại ngay trên "sân nhà" được ví như một mỏ vàng với trên 90 triệu dân. "Giỏi đánh bắt xa bờ nhưng doanh nghiệp Việt cũng đừng quên sân nhà", ông Khanh nói.
Mặt khác các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu trong nội bộ khối CPTPP khi không phải chịu các khoản thuế xuất khẩu và nhập khẩu sẽ tạo điều kiện cho dịch chuyển chuỗi cung ứng. Và đây cũng chính là một cơ hội mà doanh nghiệp Việt không thể bỏ lỡ để chen chân và tham gia.
Nắm bắt luật chơi là cần nhất trong những thứ quan trọng nhất từ CPTPP
Nhấn mạnh việc cần nắm chắc “luật chơi” khi tham gia CPTPP, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng đây vẫn luôn là bài học lớn mà các doanh nghiệp cần phải lưu tâm mỗi khi Việt Nam có thêm 1 FTA mới
Ông Thành nhấn mạnh, các DN cần phải nắm được các quy định có liên quan tới doanh nghiệp mình, và tìm cách đáp ứng các yêu cầu đó. Các quy định về xuất khẩu hàng hóa ngày càng khắt khe, ngoài tiêu chuẩn về chất lượng, còn phải đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa.
“Nói ngắn gọn phải chịu khó đọc nội dung các FTA kể cả CPTPP xem mình thỏa mãn được cái gì, ở mức độ cao hay thấp, thậm chí có thể là cao nhất. Vì CPTPP là cái cam kết cao nhất rồi”, ông Thành nói. Ví dụ, khi Việt Nam xuất khẩu thủy sản, không chỉ bảo đảm rằng đó là sản phẩm sạch mà còn phải cả về quy trình đánh bắt, tính hợp pháp của vùng biển đánh bắt và phải đáp ứng cả yêu cầu về môi trường.
Liên quan đến tài chính, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, tự do hóa tài chính trong khuôn khổ CPTPP rất cao dù các nước thành viên được quyền chủ động thực hiện các biện pháp củng cố tính ổn định tài chính và tính thống nhất của hệ thống tài chính của mình. Việt Nam cũng như các nước được áp dụng các ngoại lệ cần thiết, gồm các biện pháp thận trọng bảo vệ an ninh quốc gia, quyền lợi và thông tin cá nhân; chính sách về tỷ giá, tiền tệ nhằm đảm bảo môi trường đầu tư ổn định, an toàn.
Trong khi đó TS.Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định Việt Nam sẽ tận dụng được 80% cơ hội trong CPTPP, đặc biệt là tại các thị trường lớn.
Nguồn: Quang Lộc/Báo công thương điện tử