Cơ hội lớn từ việc giảm thuế quan
Anh hiện là 1 trong 7 nước nhập khẩu nhiều thủy sản nhất trong khối EU, nhưng đồng thời cũng là nước xuất khẩu đứng thứ 8 trong nội khối trong những năm qua, với giá trị lần lượt là 4,5 tỷ USD và 2,6 tỷ USD.
Hiện nay việc đánh bắt thủy sản của EU chủ yếu diễn ra ở vùng biển Vương quốc Anh và Anh tiết lộ rằng sau khi Brexit thành hiện thực vào đầu năm tới, Anh sẽ là một quốc gia ven biển mới độc lập, họ muốn kiểm soát vùng biển và cá của mình. Các nước EU và Anh đang cố gắng đi đến một thỏa thuận nghề cá hợp lý, tuy nhiên đó là vấn đề nhạy cảm không dễ đi đến sự thống nhất giữa Anh và các nước thành viên EU. Do vậy, trong tình huống EU và Anh không đến được sự thỏa thuận hợp lý, thì thương mại của Anh với nội khối EU sẽ khó khăn, đồng thời sản lượng khai thác của EU sẽ giảm mạnh. Khi đó, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của EU với các nước nội khối sẽ tăng. Đó sẽ là cơ hội cho Việt Nam và các nước xuất khẩu thủy sản gia tăng thị phần tại EU.
Bên cạnh đó, nhu cầu thủy sản của Anh được dự báo sẽ vẫn ổn định và có thể gia tăng đối với các sản phẩm thủy sản nuôi. Các số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, trong khi nhu cầu các sản phẩm đồ gỗ, may mặc, giày dép, thủ công mỹ nghệ... xuất khẩu vào Anh giảm mạnh thì riêng thủy sản vẫn ghi nhận mức tăng trưởng mạnh 25,1% khi đạt trên 297 triệu USD trong 10 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, giá trị thủy sản xuất khẩu của Việt Nam hiện mới chiếm khoảng 6,7% trong tổng giá trị nhập khẩu của quốc gia này.
Việc kết thúc đàm phán Hiệp định UKVFTA được đánh giá sẽ mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu thủy sản trong tương lai. Phân tích cụ thể, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết, trong nhiều năm qua, Anh đã trở thành thị trường lớn thứ hai tại châu Âu (sau Đức) đối với hàng xuất khẩu Việt Nam. Dư địa tăng trưởng thị trường tại thị trường Anh cho các sản phẩm Việt Nam nói chung, thủy sản nói riêng còn rất lớn vì các sản phẩm xuất khẩu hiện chiếm thị phần nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Anh. Đặc biệt, cả Việt Nam và Anh đều đang mong đợi, khi Hiệp định EVFTA chấm dứt hiệu lực với Anh quốc (do Anh rời EU) thì Hiệp định UKVFTA giữa hai nước sẽ sớm có hiệu lực để tránh đứt quãng giao thương.
Tận dụng khai thác tối đa sau Covid
Ngay sau khi Bộ Công Thương ký biên bản ghi nhớ kết thúc đàm phán Hiệp định UKVFTA với Bộ Thương mại quốc tế Vương quốc Anh, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, doanh nghiệp ngành này kỳ vọng xuất khẩu thủy sản sang Anh sẽ tăng mạnh sau Covid bởi với cam kết của hiệp định UKVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết các mặt hàng thủy sản vào Anh sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 10-20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Theo ông Hòe, thị trường Anh hiện chiếm trên 4% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam (tương đương với giá trị xuất khẩu sang thị trường ASEAN). Năm 2020 dù Anh đã ra khỏi EU, nhưng xuất khẩu các sản phẩm thủy sản sang thị trường này vẫn được hưởng thuế theo cơ chế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đến hết 31/12/2020. “Các doanh nghiệp thủy sản đánh giá cao việc chủ động của Bộ Công Thương trong việc đi đến kết thúc đàm phán Hiệp định UKVFTA. Bởi lẽ hiệp định này sẽ giúp giao thương giữa Việt Nam và Anh không bị gián đoạn sau khi giai đoạn chuyển tiếp của tiến trình Brexit kết thúc”- ông Hòe nhận xét.
Chia sẻ về kế hoạch tiếp cận thị trường Anh thời gian tới, đại diện VASEP cho biết sẽ rà soát và gửi thông tin về những cơ hội, thuận lợi của Hiệp định UKVFTA cho các doanh nghiệp trong ngành nắm bắt. Từ đó giúp doanh nghiệp có kế hoạch tiếp cận thị trường một cách hiệu quả.Tuy nhiên, cùng với sự vào cuộc của Hiệp hội, Bộ Công Thương nên sớm có những hướng dẫn chi tiết về quy tắc xuất xứ cũng như có thông tin cụ thể về nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng Anh cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá thương hiệu để sản phẩm được người tiêu dùng tại Anh được biết đến rộng rãi hơn.
Các thống kê từ VASEP cho thấy, trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản sang Anh, tôm và cá tra là 2 mặt hàng chủ đạo đều tăng trưởng mạnh trong 9 tháng đầu năm nay. Ngoài ra, xuất khẩu cá ngừ, các loại cá biển khác và cua ghẹ cũng tăng lần lượt 6%, 101% và 55%. Đặc biệt, với mặt hàng cá tra đã có sự đột phá về cơ cấu sản phẩm, theo đó xuất khẩu cá tra chế biến tăng đột biến gấp hơn 15 lần cùng kỳ năm ngoái với 16 triệu USD, chiếm 33% tổng xuất khẩu cá tra, trong khi năm 2019 chỉ chiếm 3%. Bên cạnh đó Anh cũng tăng mạnh nhập khẩu các sản phẩm chế biến và đông lạnh như tôm chân trắng chế biến (tăng 33%), tôm sú chế biến tăng 456%, cua ghẹ đóng hộp tăng 61%, cá biến phile đông lạnh tăng 127%...
Nguồn:VITIC