menu search
Đóng menu
Đóng

Ưu đãi thuế NK linh kiện sẽ tạo đà cho ngành công nghiệp ôtô trong nước

09:46 18/09/2017

Vinanet - Theo cam kết tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ năm 2018, Việt Nam sẽ phải bỏ thuế nhập khẩu ôtô đã qua sử dụng có xuất xứ ASEAN. Điều này làm gia tăng thêm sức ép đối với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước.
Nhằm bảo đảm thực hiện cam kết ATIGA, đồng thời khuyến khích lắp ráp ôtô trong nước tăng tỷ lệ nội địa hóa, Bộ Tài chính đề xuất chính sách thuế nhập khẩu ưu đãi linh kiện ôtô giai đoạn 2018-2020 theo hướng chỉ giảm thuế nhập khẩu linh kiện cần khuyến khích lắp ráp trong nước (xe dưới 9 chỗ, xe tải); giữ nguyên mức thuế đối với những loại linh kiện trong nước đã có năng lực sản xuất.
Mức độ ưu đãi được Bộ Tài chính đề xuất theo 2 phương án: Điều chỉnh thuế nhập khẩu về 0% đối với 19 dòng thuế và giảm về 10% đối với 42 dòng thuế; hoặc, điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu linh kiện ôtô phục vụ lắp ráp trong nước về 0% đối với toàn bộ 163 dòng thuế có liên quan.
Tổng hợp ý kiến ban đầu của chuyên gia và doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện ôtô do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy, hướng thiết kế chính sách nêu trên là hợp lý, vừa bảo đảm thực hiện cam kết ATIGA, vừa hỗ trợ được sản xuất trong nước. Nếu phương án đề xuất thứ hai được cấp có thẩm quyền phê duyệt, doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô trong nước sẽ có thêm nhiều cơ hội hơn để phát triển và tăng trưởng.
Tuy nhiên, theo dự thảo đề xuất mà Bộ Tài chính đang xin ý kiến các cơ quan liên quan và doanh nghiệp, thuế nhập khẩu ưu đãi mới chỉ dành riêng cho nhóm chủ thể có cam kết về sản lượng xe, tỷ lệ nội địa hóa, dựa trên quy trình kiểm soát thực hiện các cam kết của doanh nghiệp. VCCI cho rằng, nên mở rộng ưu đãi đến tất cả các chủ thể nhập khẩu loại linh kiện này, vì Việt Nam đang có nhu cầu khuyến khích lắp ráp ôtô trong nước.
Đặc biệt, theo phản ánh của VCCI, các thủ tục để được ưu đãi Bộ Tài chính thiết kế với rất nhiều khâu, bao gồm việc đăng ký, khai báo khi nhập khẩu, báo cáo kiểm tra quyết toán hàng năm, kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện, thủ tục thu bổ sung hoặc hoàn lại thuế nhập khẩu tùy theo kết quả kiểm tra… đối với doanh nghiệp còn phức tạp. Điều này sẽ gây tốn kém về thời gian, nhân lực, bộ máy không chỉ đối với doanh nghiệp mà cả cơ quan nhà nước có liên quan, vì vậy, cần đơn giản hóa.
Nguồn: Lan Ngọc/Báo Công Thương điện tử