menu search
Đóng menu
Đóng

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời kỳ hội nhập

09:50 19/10/2016

Sáng ngày (18/10), tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân Việt Nam vì sự phát triển bền vững” với sự tham gia của đông đảo đại diện doanh nghiệp, nhà nghiên cứu.

Hội thảo được tổ chức nhằm triển khai Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; hướng tới ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (10/11).

Đây cũng là diễn đàn mở rộng nhằm thu hút trí tuệ, tâm huyết, đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, đội ngũ doanh nhân tìm ra những giải pháp thiết thực đẩy mạnh xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, sự cạnh tranh gay gắt trên quy mô toàn cầu đang đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước thách thức phải năng động, linh hoạt, đổi mới phương thức kinh doanh để trụ vững và phát triển. Bên cạnh những yếu tố như sản phẩm, thị trường, công nghệ, năng lực kinh doanh… văn hóa doanh nghiệp được coi là một nguồn lực, yếu tố vàng quyết định sự thành công của các doanh nghiệp. Vì vậy, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước hiện nay.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung bàn luận về các nội dung: Những vấn đề lý luận, các mô hình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân Việt Nam và trên thế giới. Các điển hình thành công, bài học kinh nghiệm về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân trong nước và quốc tế. Thực trạng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân ở Việt Nam hiện nay. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân trước thách thức hội nhập quốc tế.

Việt Nam có khoảng 93% doanh nghiệp hiện có là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xuất phát từ gốc hình thành, tính chất quy mô, năng lực quản trị các nhà quản trị… các nhà quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ nước ta thường nắm bắt, bao quát và quán xuyến hầu hết các mặt của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Thế Kỷ - Tổng giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, kỹ năng, nghiệp vụ quản lý của họ thường thấp so với yêu cầu. Mặt khác, hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ thường ngắn hạn nên chủ doanh nghiệp chưa chú trọng đúng mức đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Mặt khác, trong bối cảnh hiện nay, cái khó nhất trong thiết kế văn hóa doanh nghiệp của chính các doanh nghiệp Việt Nam là phiên dịch từ chiến lược kinh doanh sang ngôn ngữ của văn hóa doanh nghiệp. Ông Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, công việc này đòi hỏi cả lý luận và kinh nghiệm thực tiễn nhưng ở Việt Nam khá mới mẻ. Trong nhiều trường hợp, có thể thuê công ty tư vấn nước ngoài.

Do đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ, để vượt thách thức hội nhập, ông Nguyễn Toàn Thắng - Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển cho rằng, các doanh nghiệp cần thay đổi  tư duy văn hóa doanh nghiệp và kinh doanh theo hướng mở; cần nhạy bén hơn khi tìm kiếm và nắm bắt cơ hội trong tầm quan sát khu vực và quốc tế; cải thiện và phát huy nguồn lực con người của doanh nghiệp và sức mạnh văn hóa kinh doanh trong bối cảnh kinh tế thị trường…

Thẳng thắn, sắc sảo, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ, văn hóa lúa nước, làng xã, quan niệm trọng nông chứ không trọng thương đã để lại dấu ấn, ăn sâu cho đến ngày nay trong văn hóa doanh nghiệp Việt Nam… Vì vậy xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời kỳ mới còn nhiều khó khăn. Muốn xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải qua cọ xát của cuộc sống, thông qua quá trình kinh doanh, làm ăn, và văn hóa phải được sàng lọc chứ không phải câu chuyện qua vài ba hội thảo, khái niệm bàn giấy. Đặc biệt, đừng hành chính hóa văn hóa… bởi nó không xây dựng văn hóa bền vững được.  

Theo ông Vũ Khoan, văn hóa là sự kết hợp của 3 lực lượng: Doanh nghiệp, nhà khoa học, cơ quan quản lý. Và muốn tạo dựng văn hóa, trước hết vai trò trung tâm chính là doanh nghiệp, doanh nghiệp phải tự sàng lọc, hành xử có lợi nhất, nếu hành xử không phù hợp sẽ bị đào thải trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Thứ hai là tiếp thu văn hóa của nhân loại, như tại sao người Nhật giàu là vì văn hóa doanh nghiệp, kinh doanh của Nhật. Thứ ba là Nhà nước phải tạo môi trường làm ăn kinh doanh để tạo văn hóa kinh doanh lành mạnh. Tuy vậy, ông Vũ Khoan cho rằng, văn hóa là chuyện nghìn năm, chúng ta không vội được, cần có một quá trình xây dựng.

Nguồn: Báo công thương

 

Nguồn:Báo Công thương điện tử