menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu tăng tốc khi tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại

09:30 20/05/2022

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 4/2022, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa ước đạt 122 tỉ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2021. 
Điểm nổi bật trong năm nay là doanh nghiệp (DN) trong nước tăng đến 21,6%, cao hơn so với DN có vốn đầu tư nước ngoài (chỉ tăng 14,7%).
Ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, thì ngay lập tức thuế suất các sản phẩm chế biến từ hạt điều của Việt Nam nhập khẩu (NK) vào thị trường EU giảm về 0%, trong khi đó trước khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, mức thuế này dao động từ 7 - 12%. Điều đó cho thấy, hiệp định EVFTA đi vào thực thi được kỳ vọng mang lại cơ hội lớn cho các DN ngành điều.
Đặc biệt, EU hiện đang là thị trường XK hạt điều lớn thứ 2 của Việt Nam, năm 2021 XK hạt điều của Việt Nam sang EU đạt 135.000 tấn, tăng 16,5% về lượng và tăng 7,9% về trị giá so với năm 2020. Ông Đặng Hoàng Giang - Tổng thư ký Hiệp hội điều Việt Nam nhìn nhận: “Trong năm 2021 thị trường EU và Vương quốc Anh đóng góp gần 24% thị phần XK nhân điều của ngành điều Việt Nam với khoảng 867 triệu USD trong tổng kim ngạch XK toàn ngành 3,75 tỷ USD. Kết quả XK năm 2021, đã giúp ngành điều giữ vị trí XK hàng đầu thế giới 15 năm liên tục kể từ năm 2006”.
Với mặt hàng thủy sản, EU hiện đang là một trong 5 thị trường XK thủy sản lớn nhất của Việt Nam và đặc biệt kể từ khi hiệp định EVFTA đi vào thực thi, XK thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU cũng khởi sắc nhờ hàng loạt cam kết ưu đãi thuế quan. Theo EVFTA, có khoảng 220 số dòng thuế các sản phẩm thủy sản có thuế suất cơ sở 0 - 22%, số dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm về 0% theo lộ trình 3-7 năm, góp phần cho thủy sản Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh về giá so với các sản phẩm cùng ngành ở các nước khác. Năm 2021, XK thủy sản Việt Nam sang thị trường EU đạt trên 1 tỷ USD (tăng 12% so năm 2020), trong đó XK sang hầu hết các nước thành viên EU đều tăng.
Đối với EU, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản đứng thứ hai trong khu vực châu Á, chỉ xếp sau Trung Quốc. Nhu cầu NK thủy sản của EU là rất lớn, trên 50 tỷ USD/năm. Ngoài các mặt hàng nông sản, thủy sản, EU cũng đang là thị trường tiêu thụ khối lượng lớn các sản phẩm đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, trang trí nội - ngoại thất của Việt Nam và Việt Nam hiện đang là thị trường lớn thứ 13 của EU. Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC), năm 2020 Đức vẫn là nhà NK đồ vật trang trí hàng đầu của EU với 22% kim ngạch NK, Hà Lan (13%), Vương quốc Anh (12%) và Pháp (11%)…, mảng đồ trang trí có thể lên tới 5,97 tỷ USD trong năm 2022. Thị trường dự kiến sẽ tăng trưởng hàng năm 4,27% (2022-2026), đến năm 2026 đạt 7.05 tỷ USD...
Có thể thấy, đây là kết quả tích cực trong năm đầu tiên Việt Nam thực thi EVFTA, các DN ngành nông - lâm - thủy sản bước đầu đã tận dụng tốt các điều kiện ưu đãi do hiệp định này mang lại. Nhiều ngành XK vào thị trường EU trong năm 2021 tăng mạnh so với năm 2020 và con số này có thể cao hơn nữa nếu như quý III/2021 sản xuất không bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19. Đánh giá hoạt động XK năm 2022, nhiều DN cho biết mặc dù trong những tháng đầu năm XK có dấu hiệu khởi sắc, nhưng DN vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn trong thời gian tới.
Với ngành đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, trang trí nội - ngoại thất XK vào EU, ông Nguyễn Tuấn – Phó Giám đốc ITPC cho biết, dịch bệnh COVID-19 kéo dài và mới đây là tác động của cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, làm thay đổi thị hiếu cùng nhu cầu và xu hướng mua sắm của người tiêu dùng tại thị trường EU. Vì vậy, ITPC đã kết nối với các cơ quan chức năng để hỗ trợ DN tìm hiểu, nắm rõ thông tin về các vấn đề liên quan đến khuynh hướng tiêu dùng tại EU, tiêu chuẩn - chứng chỉ XK sang EU, cũng như những lưu ý khi đàm phán hợp đồng với DN EU, để giúp DN tiếp cận hiệu quả thị trường EU.
Ông Đặng Hoàng Giang cho biết, sản phẩm điều của Việt Nam chiếm hơn 80% thị phần XK của ngành điều thế giới, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID -19 cùng với xung đột Nga – Ukraine, ngành XK điều đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Bởi, tại khu vực EU, hạt điều Việt Nam được XK sang nhiều nước Tây Âu và Đông Âu, trong đó có Nga, Ukraine… Do ảnh hưởng xung đột Nga – Ukraine khiến XK hạt điều của Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang, giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động XNK.
Hiện, Việt Nam đã ký kết nhiều FTA song phương và đa phương với nhiều đối tác, trong đó có các FTA thế hệ mới đang được thực thi như EVFTA, CPTPP… tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm khi mức thuế giảm dần về 0%, mở ra cơ hội XK cho hàng hóa. Để giúp các DN tiếp cận hiệu quả các thị trường XK cũng như tận dụng tốt hơn nữa các FTA, trong năm 2022 Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương đã tổ chức “Chương trình hướng dẫn, hỗ trợ DN tiếp cận, áp dụng các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện XNK hàng hóa với các thị trường nước ngoài và các cam kết quốc tế về sản phẩm XK, NK” gồm chuỗi 30 phiên tư vấn triển khai tại nhiều địa phương trong cả nước. Tại mỗi phiên tư vấn, các DN trong nước sẽ được các chuyên gia, đại sứ, tham tán thương mại tại nước XK… thông tin về thị trường, xu hướng tiêu dùng, những vấn đề DN cần lưu ý… để tránh rủi ro tại thị trường XK.
 

Nguồn:cand.com.vn

Link gốc