menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu vào Hoa Kỳ cần vượt qua rào cản

09:13 05/07/2016

Kim ngạch xuất khẩu các ngành hàng vào thị trường Hoa Kỳ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhưng để xuất khẩu được, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải vượt qua rất nhiều rào cản thương mại.

Hoa Kỳ được xem là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam nhưng với những luật lệ khắt khe, thị trường này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự am hiểu.

Do vậy, khi bàn về giải pháp tăng cường xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ cũng như các thị trường khác trong thời gian tới, Bộ  trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, muốn tăng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, cộng đồng doanh nghiệp cần có cuộc cách mạng đổi mới.

Bất cập từ nội tại

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thời gian qua đã tăng trưởng mạnh mẽ, song nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa hưởng trọn “miếng bánh ngon” không chỉ do cạnh tranh, do các rào cản thị trường mà còn do chính những bất cập nội tại của doanh nghiệp.

Giải thích rõ hơn, ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho hay, Hoa Kỳ là một trong những nước áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa nhập khẩu; trong đó, có hàng Việt Nam, mà điển hình nhất là thủy sản.

Báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, từ năm 2015 trở lại đây thủy sản của Việt Nam giảm mạnh do sự xuất hiện ngày càng nhiều các đối thủ cạnh tranh, biến động của tỷ giá đồng đô la Mỹ, sự ép giá từ các nhà nhập khẩu và những áp lực từ việc nước này áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Đặc biệt, khi Hoa Kỳ áp dụng Chương trình thanh tra cá da trơn sẽ đặt ra những thách thức và khó khăn thực sự cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nên nguy cơ đánh mất thị trường là hiện hữu.

Đề cập đến khả năng tiếp cận trực tiếp vào các hệ thống phân phối của Hoa Kỳ, ông Khiên cho rằng, đây là vấn đề khó đối với doanh nghiệp Việt Nam. Bởi lẽ, để có thể đưa hàng trực tiếp vào hệ thống siêu thị thị trường này, doanh nghiệp cần bảo đảm ít nhất hai yếu tố: thương hiệu và số lượng hàng cung ứng. Trong khi đó, đây lại là hai điểm yếu của hàng Việt.

Cùng với đó, hàng công nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ chủ yếu là hàng gia công, lắp ráp, bởi vậy không có thương hiệu. Không thương hiệu sẽ khó lòng “mua tận gốc bán tận ngọn” cho nhà phân phối. Không chỉ vậy, các nhà phân phối Hoa Kỳ thường phải nhập hàng Việt qua trung gian bởi nhiều khi, đối tác Hoa Kỳ yêu cầu một lượng hàng lớn và nguồn cung bảo đảm.

Vượt qua thách thức

Kim ngạch xuất khẩu các ngành hàng vào thị trường Hoa Kỳ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới do nhu cầu thị trường cao và cơ hội mở rộng hoạt động bán hàng sẽ nhiều hơn nhờ hội nhập. Tuy nhiên, để xuất khẩu được, các doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua rất nhiều rào cản thương mại như an toàn vệ sinh thực phẩm, thủ tục đăng ký…

Ông Đinh Quyết Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi ong Việt Nam cho biết, doanh nghiệp muốn xuất khẩu 1 tấn mật ong sang thị trường Hoa Kỳ, sản phẩm phải qua 25 lần kiểm tra chất lượng.

Nếu hàng hoá nhập khẩu vào thị trường này không tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng và đăng ký cơ sở sản xuất, không những hàng hóa sẽ bị thu giữ hoặc tiêu hủy mà doanh nghiệp có thể bị phạt, thậm chí bị khởi tố hình sự.

Không ít ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp cho rằng, một mặt hàng để tiếp cận được với thị trường Hoa Kỳ rất gian nan. Đơn cử như các mặt hàng hoa quả tươi xuất được vào thị trường này gồm: thanh long, chôm chôm, vải, nhãn.

Hai mặt hàng khác là xoài và vú sữa đang trong quá trình xúc tiến các thủ tục đăng ký. Thông thường, một loại quả của Việt Nam khi muốn xuất vào Hoa Kỳ cần 5-7 năm để triển khai các thủ tục.

Cơ hội thị trường là hoàn toàn có, song lại gặp rất nhiều rào cản nên các nhà xuất khẩu Việt Nam phải nâng cao tính cạnh tranh. Đặc biệt, khi tiếp cận được thị trường doanh nghiệp cần có kế hoạch giữ sự ổn định và phát triển.

Để kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Hoa kỳ tăng trưởng mạnh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam phải phát triển hệ thống an toàn thực phẩm và hệ thống này đảm bảo sản phẩm được sản xuất an toàn, chất lượng.

Đặc biệt, cần có đại diện thương mại làm cơ quan tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc hoàn thiện các quy trình, thủ tục liên quan. Đây vừa là yêu cầu trước mắt vừa là vấn đề xuyên suốt trong tiến trình đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

"Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam nên ký hợp đồng ngắn hạn, đảm bảo hợp đồng có thể tái ký kết và được sửa đổi điều khoản; xác định chọn luật nào, trọng tài nào để xử lý trong trường hợp có tranh chấp.

Để từng bước thâm nhập và tiến tới một vị trí trên thị trường Hoa Kỳ, hơn bất cứ ở thị trường nào khác, các doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt lưu ý tìm hiểu kỹ đối tác, luật lệ cũng như tập quán kinh doanh của thị trường này", Bộ trưởng yêu cầu.

Nguồn: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN