Ngành gỗ Việt Nam năm 2016 khép lại với việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), mở ra hướng đi mới cho gỗ xuất khẩu tới thị trường đầy tiềm năng là EU; Đặc biệt đối với các doanh nghiệp chủ động nguồn cung nguyên liệu gỗ sạch.
Ngay sau khi Hiệp định VPA/FLEGT vừa kết thúc đàm phán với những cam kết cơ bản nhất vào tháng 11/2016, chúng tôi đã có chuyến đi thực tế với Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đến doanh nghiệp được cho là tiên phong về việc chủ động nguồn cung nguyên liệu gỗ sạch - Công ty Cổ phần Woodsland. Bà Đỗ Thị Bạch Tuyết - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Woodsland - cho biết: Doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất sang các quốc gia châu Âu; trong đó, khách hàng chính của công ty là Tập đoàn IKEA của Thụy Điển (chiếm 70% doanh thu) và Công ty Habufa của Hà Lan. Do đó, các hoạt động từ khâu thu mua nguyên liệu đến tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm ngoài những yêu cầu của pháp luật Việt Nam thì công ty phải đáp ứng tất cả các yêu cầu quốc tế.
Cụ thể, ngoài những yêu cầu cơ bản về giá, chất lượng, tiến độ giao hàng, hoạt động của công ty cũng dựa trên những bộ tiêu chuẩn riêng về gỗ nguyên liệu của Tập đoàn IKEA. Theo đó, các nhà cung cấp gỗ cho IKEA cần phải có chứng chỉ FSC (chứng chỉ quản lý rừng bền vững), yêu cầu về nguyên liệu bảo đảm hợp pháp, có hợp đồng chuỗi từ người trồng rừng, khai thác, vận chuyển, xưởng xẻ và đến Công ty Cổ phần Woodsland. Tất cả hồ sơ phải được lưu trữ để chứng minh chuỗi đó có hợp pháp hay không? Việc khai báo trực tiếp trên hệ thống kết nối trực tiếp với khách hàng sẽ cho biết thông tin về từng lô hàng mà công ty xuất khẩu được sử dụng gỗ từ đơn vị nào. IKEA cũng sẽ đến kiểm tra trực tiếp đột xuất tại công ty.
Bà Đỗ Thị Bạch Tuyết cho biết, trước những yêu cầu này từ phía đối tác, Công ty Cổ phần Woodsland đã chủ động hỗ trợ người trồng rừng tại Tuyên Quang làm chứng chỉ FSC. Với sự hỗ trợ của UBND tỉnh Tuyên Quang, công ty đã tổ chức các buổi hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của người trồng rừng. Đến nay, nhiều chủ rừng đã chủ động tiếp cận thông tin để được tham gia chương trình này. Từ năm 2015 - 2016, công ty đã hỗ trợ cho 5 công ty lâm nghiệp và hộ dân thực hiện thành công 12.319ha rừng trồng tại Tuyên Quang được cấp chứng chỉ FSC. Dự kiến, giai đoạn 2016 - 2017, công ty có thêm khoảng 10.707ha rừng trồng tại 3 tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang và Thái Nguyên sẽ được đánh giá và cấp chứng chỉ FSC. Công ty đang phấn đấu đến năm 2018, có 30.000ha được cấp chứng chỉ này. Nhờ chủ động nguồn cung nguyên liệu nên doanh thu của công ty liên tục tăng trong những năm qua. Theo đó, năm 2015, doanh thu của công ty đạt hơn 900 tỷ đồng thì sang năm 2016, doanh thu của công ty đạt 1.000 tỷ đồng; tạo việc làm, đời sống ổn định cho nhân viên công ty.
Đánh giá về mô hình hoạt động của Công ty Cổ phần Woodsland, ông Tô Xuân Phúc – chuyên gia Tổ chức Forest Trend - cho hay, mô hình kết hợp giữa công ty và các hộ trồng rừng mà Công ty Cổ phần Woodsland đang thực hiện tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm của các hộ trồng rừng, đồng thời bảo đảm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tổ chức Forest Trend và Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đang nghiên cứu mô hình này, dự kiến sẽ đưa ra những kiến nghị cho các bộ liên quan để thúc đẩy trồng rừng của các hộ gia đình.
Hiệp định VPA/FLEGT được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự tin cậy về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu Việt Nam không những tại thị trường EU mà còn tại các thị trường xuất khẩu khác, mang lại các lợi ích lớn hơn về kinh tế, môi trường và xã hội.
Nguồn: Báo Công thương điện tử