Nguy cơ thường trực đối diện điều tra
Vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) tiếp tục gia hạn thời gian điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Theo thông báo của DOC, kết luận cuối cùng về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm dự kiến được ban hành vào ngày 5/4/2024. Đối với điều tra lẩn tránh thuế, DOC cũng đã tiếp tục gia hạn thời gian ban hành kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng của vụ việc tới ngày 19/4 và ngày 18/7/2024.
Vụ việc điều tra phạm vi sản phẩm và lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại bị DOC lần lượt khởi xướng từ tháng 5 và tháng 6/2022. Tháng 9/2023, DOC ban hành thông báo điều chỉnh kết luận sơ bộ tháng 3/2023, theo đó liệt kê 3 trường hợp tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam có các bộ phận sản xuất tại Trung Quốc thuộc phạm vi của lệnh áp thuế gốc với Trung Quốc. Trước đó, từ tháng 4/2020 đến nay, Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với tủ gỗ có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá là từ 4,37% đến 262,18%, mức thuế chống trợ cấp là từ 13,33% đến 293,45%.
Bên cạnh đó, ngày 14/2/2024, DOC đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với một số sản phẩm đĩa giấy nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra và áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, Hoa Kỳ là nước đã điều tra tất cả các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (cả phá giá, trợ cấp, lẩn tránh thuế, tự vệ). Theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, tổng số vụ việc phòng vệ thương mại do Hoa Kỳ điều tra (tính đến tháng 10/2023) là 58 vụ việc gồm: 26 vụ việc chống bán phá giá, 9 vụ việc trợ cấp, 21 vụ việc lẩn tránh thuế, 2 vụ việc tự vệ. Đáng chú ý, chỉ xét 11 tháng tính từ đầu năm 2023, Hoa Kỳ đã nhận đơn/khởi xướng 4 vụ việc phòng vệ thương mại với mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2022 nhưng mức độ kim ngạch ảnh hưởng lại có xu hướng tăng.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, các ngành xuất khẩu bị Hoa Kỳ kiện phòng vệ thương mại gồm đa dạng mặt hàng: các sản phẩm thép; thủy sản (tôm, cá tra); máy móc thiết bị; gỗ, đồ nội thất; túi giấy, túi nilon; nhôm..., với giá trị xuất khẩu tuyệt đối từ kim ngạch thấp đến những mặt hàng chiếm thị phần lớn và có kim ngạch cao. Thêm vào đó, Hải quan Hoa Kỳ vẫn tiếp tục khởi xướng và áp thuế tạm thời một số mặt hàng của Việt Nam với lý do lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (bên cạnh việc tăng cường áp dụng Đạo luật cưỡng bức).
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng đang xem xét ban hành hàng loạt các thay đổi trong điều tra phòng vệ thương mại với xu hướng ngày càng khó khăn cho doanh nghiệp và có khả năng tăng mức thuế trong tương lai.
Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng cho hay, các vụ việc phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam và Hoa Kỳ với một số nước khác chỉ có sự khác biệt đó là việc Hoa Kỳ chưa coi Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Do đó, Hoa Kỳ sử dụng giá trị thay thế từ nước thứ 3 để tính toán cho hàng xuất khẩu của Việt Nam dẫn đến mức thuế thường bị đẩy lên cao hơn. Điều này đã khiến mức thuế trong một số vụ việc bán phá giá bị đẩy lên rất cao, không phản ánh đúng thực tế diễn ra ở Việt Nam, gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu, khiến hàng hóa mất đi năng lực cạnh tranh trên thị trường Hoa Kỳ.
Chủ động ứng phó sớm
Trong bối cảnh điều tra phòng vệ thương mại là hình thức phổ biến và ngày càng mở rộng về mặt thị trường, ngành hàng, nguy cơ đối diện với các vụ kiện phòng vệ thương mại là điều khó tránh khỏi đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã liên tiếp đưa ra các cảnh báo nguy cơ về một số nước điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và đưa ra các khuyến cáo để các hiệp hội, doanh nghiệp lưu ý.
Mới đây, cảnh báo nguy cơ Canada điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng dây thép nhập khẩu từ Việt Nam đã được đưa ra, trước việc kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thép dây của Việt Nam sang Canada tăng nhanh trong các năm trở lại đây. Số liệu thống kê từ Trademap cho thấy kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thép dây của Việt Nam sang Canada tăng nhanh trong các năm trở lại đây. Năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 10 triệu USD dây thép sang Canada. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng gấp đôi lên 21 triệu USD trong năm 2021 và tiếp tục tăng trưởng mạnh, đạt khoảng 40 triệu USD trong năm 2022.
Tính đến nay, Canada đã khởi xướng điều tra 8 vụ việc phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có 5 vụ việc chống bán phá giá, 2 vụ việc chống trợ cấp và 1 vụ việc tự vệ. Theo đó, Canada nhắm tới hầu hết các mặt hàng, loại hình thép xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: thép cốt bê tông, thép tấm chống ăn mòn, thép cuộn, ống thép dẫn dầu…
Theo đánh giá của Cục Phòng vệ thương mại, với chính sách giám sát và siết chặt quản lý với thép nhập khẩu để bảo vệ thị trường nội địa, dự kiến trong thời gian tới, Canada sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều tra nhằm áp dụng với những mặt hàng, loại hình thép còn lại của Việt Nam, trong đó có mặt hàng dây thép. Đây là mặt hàng được ứng dụng rộng rãi trong bê tông dự ứng lực (PC Wire), khung dù, hạt bi sắt lốp xe (TBW), dây piano, lõi dây của các dây dẫn, dây cáp dùng cho thang máy, cần cẩu, lõi điện cực hàn, đinh…
Trước nguy cơ Canada điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng dây thép nhập khẩu từ Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị hiệp hội, doanh nghiệp liên quan cần rà soát lại việc xuất khẩu dây thép sang thị trường Canada (tham khảo các mã HS: 7223, 7213, 7227, 7306), chuẩn bị ứng phó trong trường hợp Canada tiến hành điều tra vụ việc phòng vệ thương mại; chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, thủ tục điều tra phòng vệ thương mại của Canada. Trong trường hợp bị điều tra, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan cần có chiến lược tham gia, xử lý vụ việc; hợp tác đầy đủ theo yêu cầu của cơ quan điều tra; thường xuyên phối hợp để nhận được sự hỗ trợ từ Cục Phòng vệ thương mại.
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại đã ban hành danh mục cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra, công bố cho các doanh nghiệp, hiệp hội và các địa phương, bộ, ngành liên quan để cùng phối hợp với doanh nghiệp, theo dõi. Việc cảnh báo sớm giúp doanh nghiệp chủ động trong công tác ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài và chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực; xây dựng kế hoạch ứng phó, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực do biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài gây ra.