menu search
Đóng menu
Đóng

Chương trình Thương hiệu Quốc gia 'chắp cánh' cho doanh nghiệp Việt bay xa

10:09 22/09/2023

Ly sữa Việt Nam đầu tiên mang thương hiệu TH true MILK được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. (Nguồn: BCT)

Với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu Quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của việc xây dựng thương hiệu. Từ đó, đầu tư nghiêm túc cho xây dựng, phát triển, gìn giữ thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tính cạnh tranh cao, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược xây dựng, phát triển, quảng bá và bảo vệ thương hiệu. Song song với đó, Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì việc xây dựng thương hiệu càng có ý nghĩa và vai trò quan trọng, trở thành sức mạnh mềm thúc đẩy kinh tế phát triển.
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam chính thức ra đời vào năm 2003 với mục tiêu xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển các thương hiệu mạnh trong nền kinh tế để quảng bá hình ảnh Việt Nam - quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.
Sau 20 năm thực hiện Chương trình, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu một cách chuyên nghiệp hơn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.
Đơn cử như Viettel - Tập đoàn Viễn thông và Công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam - top 15 nhà mạng trên thế giới về thuê bao di động và top 40 thế giới về doanh thu; Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) đang vươn dần lên vị trí hàng đầu trong khu vực ASEAN; Công ty CP Sữa TH, doanh nghiệp đầu tiên có được “giấy thông hành” đi vào thị trường Trung Quốc - thị trường có lượng tiêu thụ sữa đứng thứ hai thế giới…
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu Quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu. Từ đó, đầu tư nghiêm túc cho xây dựng, phát triển và gìn giữ thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp.
Nếu như năm 2018 mới có 14 doanh nghiệp Thương hiệu Quốc gia Việt Nam nằm trong Top 50, chiếm tỷ trọng 28% thì sau 5 năm (vào năm 2022) con số này đã tăng lên 21 doanh nghiệp, chiếm tỷ trọng 42%. Có thể thấy, đằng sau một thương hiệu quốc gia uy tín là các câu chuyện thành công của thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm trên thị trường.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng thừa nhận con đường để có sản phẩm đạt và duy trì Thương hiệu Quốc gia không "trải đầy hoa hồng". Điển hình như sản phẩm tôm đông lạnh của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex Việt Nam).
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Fimex Việt Nam cho rằng, ngoài kết quả sản xuất, kinh doanh hiệu quả thì thương hiệu cần rất nhiều điều kiện khác về áp dụng công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc, sản xuất bền vững…
Là doanh nghiệp đưa được sản phẩm có thương hiệu riêng của mình vào hệ thống bán lẻ của châu Âu, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời thông tin, gạo thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” của công ty đã chính thức lên kệ của hai hệ thống đại siêu thị tại Pháp là Carrefour và Leclerc.
Để làm được điều này, gạo Lộc Trời không chỉ đáp ứng những yêu cầu cao nhất mà thị trường châu Âu yêu cầu về quy trình canh tác, bộ sản phẩm bảo vệ cây trồng đạt chuẩn, mà còn là tính bền vững và ưu tiên bảo vệ con người, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh rằng, các sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia không chỉ là nguồn lực của từng doanh nghiệp mà còn của cả quốc gia. Do đó, việc xây dựng và giữ gìn thương hiệu quốc gia có tầm quan trọng chiến lược đối với doanh nghiệp và đất nước.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh, lợi thế để phát triển mạnh mẽ trong thị trường nội địa và thúc đẩy xuất khẩu, tích cực mở rộng thị trường quốc tế, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp nâng cao uy tín, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm qua hệ thống sản xuất, quản trị kinh doanh tiên tiến, đẩy mạnh chuyển đổi số; tuân thủ các quy định, pháp luật của Nhà nước và làm tốt trách nhiệm xã hội.
Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia. Theo tổ chức Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 11%, từ 388 tỷ USD năm 2021 lên 431 tỷ USD năm 2022.

Nguồn:Châu Linh/Báo Thế giới & Việt Nam

Link gốc