Tính đến thời điểm này, người mua Trung Quốc chỉ chiếm 17% tổng lượng đặt hàng trước theo mùa của vụ thu hoạch đậu nành mùa thu tại Mỹ, giảm từ mức trung bình 60% trong một thập kỷ qua. Thay vào đó, họ nhập khẩu đậu nành từ Brazil, hiện được bán với mức bảo hiểm lên tới 1,5 USD/giạ vì giá đậu nành Mỹ giao sau đã giảm 17% trong vòng 6 tuần xuống 8,5 USD, mức thấp nhất trong gần một thập kỷ.
Theo phân tích của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), khoảng cách về giá của đậu nành Mỹ đã tọa ra một cuộc chạy đua giữa các nhà nhập khẩu từ Mexico tới Paskistan và Thái Lan.
Ngay cả khi Trung Quốc rút lui, lượng hàng đặt trước theo mùa của tất cả các nhà nhập khẩu trong mùa vụ đậu nành Mỹ tới đã tăng 127% trong tháng 6 lên 8 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Hoạt động thu mua là ví dụ mới nhất cho thấy chính trị thúc đẩy dòng chảy thương mại toàn cầu trị giá hàng tỷ USD như thế nào khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tham gia vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Bắc Kinh đánh thuế quan lên 34 tỷ USD giá trị hàng hóa Mỹ hôm 6/7 từ đậu nành và bông tới ô tô và máy bay, để trả đũa quyết định áp thuế của Mỹ đối hàng giá trị hàng hóa tương đương từ Trung Quốc.
Sự sụt giảm về khối lượng nhập khẩu đậu nành Mỹ của Trung Quốc và sự gia tăng tại các quốc gia khác khiến giới quan sát cho rằng sẽ không có bất kỳ sự giải quyết nhanh chóng đối với cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Trung Quốc mua hơn 2/3 lượng đậu nành xuất khẩu của thế giới và trong quá khứ, hơn một nửa xuất khẩu của Mỹ, trị giá 12,25 tỷ USD vào năm ngoái.
Hiệp hội xuất khẩu đậu nành Mỹ đã mời nhiều người mua từ các quốc gia khác như châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi tới hội thảo xuất – nhập khẩu hàng năm trong tháng sau.
Giá đậu nành tăng tại Brazil đã khiến nhiều nhà nhập khẩu châu Âu, như Hà Lan, Tây Ban Nha và Italy thu mua nhiều hơn từ Mỹ. Một thương lái người Đức cho biết, giá đậu nành Mỹ giao tháng 7 và tháng 8 xuất sang Bắc Âu dao động trong khoảng 372 – 378 USD/tấn, thấp hơn mức giá của quốc gia Nam Mỹ là 405 USD/tấn.
Argentina, quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới, cũng thu mua đậu nành Mỹ để bổ sung vụ mùa không tốt vì hạn hán. Giá đậu nành tại Mỹ có thể giảm sâu nữa sau khi vụ mùa được thu hoạch trong giai đoạn tháng 9 – tháng 10, nếu người mua Trung Quốc tiếp tục từ chối đậu nành Mỹ.
Lượng dự trữ cao kỷ lục
USDA hôm thứ Năm (12/7) cho biết, nguồn cung đậu nành Mỹ được dự báo tăng cao chưa từng thấy vì cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Cụ thể, trong báo cáo nguồn cung và nhu cầu hàng tháng, USDA nhận định dự trữ đậu nành cuối năm trong mùa vụ 2018 – 2019 đạt 15,784 triệu tấn, tăng từ ước tính 10,477 triệu tấn được công bố một tháng trước, trước khi Trung Quốc áp thuế nhập khẩu đối với đậu nành từ Mỹ.
Nếu là sự thật, con số này sẽ vượt qua mức kỷ lục 15,621 triệu tấn đậu nành dự trữ cuối năm được ghi nhận trong mùa vụ 2006 - 2007.
Cơ hội nào cho Việt Nam?
Báo cáo từ Tổng cục Hải quan cho biết, Việt Nam đang nhập khẩu đậu nành từ Mỹ, Brazil và Canada. Trong 6 tháng đầu năm, Brazil là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt 257.293 tấn, chiếm 49,2%; theo sau là Mỹ với 205.111 tấn, chiếm 39,2%. Còn nhập khẩu từ Canada đạt 60.986 tấn, chiếm 11,6%.
Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội giá đậu nành giảm tại Mỹ để thu mua nhiều hơn từ thị trường này.
Nguồn: Hoài Lam/ VOV