Tập đoàn Lộc Trời lần đầu tiên xuất khẩu lô gạo sử dụng tàu biển dạng hàng rời (bulk carrier) để tiết kiệm chi phí. Ảnh: Hứa Chung/TTXVN
Việc này giúp gạo Việt Nam thâm nhập vào nhiều thị trường trên thế giới, nhờ đó doanh nghiệp đang được hưởng lợi trong sản xuất kinh doanh.
Báo cáo sản xuất kinh doanh thời gian qua của các doanh nghiệp ghi nhận kết quả tích cực. Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An ghi nhận sản lượng xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay tăng 68% và kim ngạch tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đại diện doanh nghiệp này, doanh nghiệp đang phát triển gạo hữu cơ để hướng đến thị trường cao cấp ở châu Âu. Hiện gạo và sản phẩm sau gạo như bún, phở được châu Âu đặt hàng nhiều đơn vị làm không kịp.
Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp trúng thầu xuất khẩu gần 50.000 tấn gạo sang thị trường Hàn Quốc cũng giúp mảng xuất khẩu gạo tăng trưởng trong nửa đầu năm 2022
Cùng kỳ, Công ty Tập đoàn Lộc Trời báo cáo hiện có 1.300 kỹ sư nông nghiệp, liên kết nông dân trồng lúa, ký kết 110.000 ha bao tiêu tại tỉnh An Giang. Công ty đã tiêu thụ 1 triệu tấn lúa, doanh số đạt 12.000 tỷ đồng với đối tác sẵn có.
Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, tính đến hết ngày 15/6/2022, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt 3,11 triệu tấn, trị giá 1,52 tỷ USD, tăng gần 12,3% về lượng và tăng nhẹ 0,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 6 tháng đầu năm, gạo là một trong 29 mặt hàng có giá trị xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu, Philippines tiếp tục là thị trường dẫn đầu chiếm 49,89% tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước. Ngoài ra, nhu cầu ổn định từ thị trường Trung Quốc, châu Phi và Cuba cũng góp phần mang lại kết quả xuất khẩu tích cực trong quý II và 6 tháng đầu năm 2022.
Giới chuyên gia nhận định, nhu cầu khả quan của thị trường tiêu thụ gạo truyền thống, cùng với kỳ vọng tăng nhập khẩu để đảm bảo tiêu dùng và dự trữ quốc gia của các nước sau thời gian dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị trên thế giới sẽ thúc đẩy sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam trong thời gian tới.
Đáng chú ý, Việt Nam đang được hưởng lợi xuất khẩu gạo từ các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) khi tăng xuất khẩu vào thị trường Australia và Singapore.
Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU cho phép Việt Nam được miễn thuế với hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm; trong đó, 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm; đồng thời, tự do hoàn toàn đối với gạo tấm.
Trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), việc xuất khẩu gạo của Việt Nam được hỗ trợ thông qua đẩy mạnh thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu đạt quy chuẩn xuất khẩu, được cấp mã số vùng trồng và gắn với doanh nghiệp tiêu thụ, như 50.000 ha lúa tại An Giang và Kiên Giang.
Cùng lúc, giá lương thực và xu thế bảo hộ thương mại khi căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine tăng lên nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia này, khiến nhiều nước đã tăng nhập khẩu các mặt hàng lương thực thay thế như gạo. Trên cơ sở này, các doanh nghiệp gạo có thêm cơ hội trúng nhiều gói thầu với giá trị cao trong thời gian tới.
Dự kiến, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 đạt từ 6,3 - 6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000 - 200.000 tấn so với năm trước.
Hiện nay, các doanh nghiệp đang tích cực thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do.
Đơn cử, Công ty Tập đoàn Lộc Trời có kế hoạch xây dựng vùng nếp nguyên liệu với tổng diện tích dự kiến 10.000 ha, canh tác theo tiêu chuẩn chất lượng cao xuất khẩu đi châu Âu...
Hay tại Đại hội đồng cổ đông vừa qua, Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An dự kiến tăng vốn điều lệ từ 712 tỷ đồng lên 1.575 tỷ đồng, với một trong hai mục tiêu đặt ra là đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu chất lượng cao vùng tứ giác Long Xuyên phục vụ xuất khẩu.
Cụ thể, công ty đặt mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo chất lượng cao hướng hữu cơ vào các thị trường như châu Âu, Mỹ, Trung Đông, Hàn Quốc… với kim ngạch tối thiểu 800 triệu USD/năm.
Trước đó, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp này đã theo đuổi việc xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn chất lượng cao và xuất khẩu thành công gạo mang thương hiệu riêng vào những thị trường "khó tính" hàng đầu thế giới, nâng cao vị thế của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
"Việc xuất khẩu được các sản phẩm gạo mang thương hiệu riêng giúp nâng cao tính nhận diện cũng như doanh số tiêu thụ tại thị trường EU. Không những vậy, khi đã đủ tiêu chuẩn xuất khẩu và có thương hiệu riêng tại các thị trường yêu cầu chất lượng cao, doanh nghiệp Việt có thể mạnh dạn đàm phán giá bán tương xứng với chất lượng mà không phải e dè cạnh tranh về giá so với các sản phẩm đại trà khác", Tổng giám đốc Trung An Phạm Thái Bình nhấn mạnh.
Về phía Lộc Trời vừa công bố hoàn thành việc giao 500 tấn gạo mang thương hiệu "Cơm Việt Nam Rice" của doanh nghiệp đến các thị trường Đức, Hà Lan, Pháp trong tháng 7/2022. Đặc biệt, số gạo "Cơm Việt Nam Rice" xuất khẩu sang Pháp sẽ được bày bán trong Carrefour – hệ thống đại siêu thị lớn nhất châu Âu.
Tại thị trường Nhật Bản, sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu A An của Tập đoàn Tân Long cũng chính thức lên kệ các siêu thị để bán trực tiếp cho người tiêu dùng Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên một thương hiệu gạo Việt xuất khẩu và phân phối thành công tại một trong những thị trường yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao nhất thế giới.
Dù vậy, các chuyên gia đánh giá, doanh nghiệp gạo sẽ chịu áp lực chi phí cao trong thời gian tới khi giá xăng dầu, chi phí vận chuyển, logistics tăng, cũng như chịu sức ép cạnh tranh từ nhiều nước xuất khẩu gạo có nguồn cung lớn và giá rẻ như Ấn Độ và Pakistan.
Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam cho biết, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao hơn một số nước trên thế giới, nhưng do chi phí logictics của Việt Nam cao nên hiệu quả còn thấp.
Mặc khác, quan sát thị trường cho thấy nhu cầu có nhiều thay đổi. Các nước tăng cường các rào cản kỹ thuật trong thương mại và người tiêu dùng cũng ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm. Điều này cũng khiến cho việc xuất khẩu gạo sẽ có những thuận lợi và khó khăn đan xen.
Trên thị trường, cổ phiếu doanh nghiệp gạo theo nhịp điều chỉnh tăng chung. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/7, cổ phiếu LTG của Công ty Tập đoàn Lộc Trời niêm yết ở mức 36.500 đồng/đơn vị; cổ phiếu TAR của Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An niêm yết niêm yết ở mức 24.600 đồng/đơn vị và thị giá cổ phiếu AFX của Công ty Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang niêm yết ở mức 14.900 đồng/đơn vị./.
Nguồn:Diệp Anh/BNEWS/TTXVN