menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp sẽ tự chủ động xác định giá sữa

11:08 09/03/2017

Theo Thông tư dự kiến của Bộ Công Thương về quản lý giá sữa, doanh nghiệp và hợp tác xã đầu mối sẽ tự xác định giá bán lẻ đối với sữa và thực phẩm chức năng do mình cung ứng và thực hiện việc kê khai giá.
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 15 Luật Giá, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là một trong những mặt hàng nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Đối với những mặt hàng nằm trong danh mục này, khi Nhà nước công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá, tùy biện pháp áp dụng (như điều hòa cung cầu, các biện pháp tài chính tiền tệ phù hợp, lập quỹ bình ổn, đăng ký giá, kiểm tra yếu tố hình thành giá, hỗ trợ về giá phù hợp, định giá tối đa, tối thiểu...), các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng này sẽ phải thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Nhà nước.
Khi Nhà nước không công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá thì sẽ phải kê khai giá đến các cơ quan quản lý nhà nước theo phân cấp, cụ thể: Theo quy định tại Nghị định số 177 ngày 4/11/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá và Nghị định số 149 ngày 11/11/2016 của Chính phủ, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc danh mục hàng hóa phải kê khai giá.
Cụ thể, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi có trách nhiệm: Thực hiện đúng quy định về kê khai giá; Được phép điều chỉnh tăng hoặc giảm giá khi các chính sách của Nhà nước thay đổi và các yếu tố đầu vào như giá nguyên liệu, tỷ giá, giá nhập khẩu... biến động làm tăng hoặc giảm chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh và giá bán sữa; trường hợp điều chỉnh tăng, giảm giá trong phạm vi 5% thì thực hiện gửi thông báo bằng văn bản về mức giá điều chỉnh mới cho cơ quan tiếp nhận văn bản trước khi điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp điều chỉnh tăng, giảm giá hàng hóa, dịch vụ vượt mức 5% so với mức giá đã kê khai liền kề trước đó, tổ chức, cá nhân phải thực hiện kê khai giá theo quy định; và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của giá kê khai.
Bên cạnh đó, các tổ chức cá nhân sản xuất kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi phải công khai thông tin về giá đã kê khai, niêm yết trong toàn hệ thống phân phối (nếu có); thực hiện bán không cao hơn giá niêm yết; Đồng thời thông báo bằng văn bản cho cơ quan có thẩm quyền quản lý giá tiếp nhận biểu mẫu nếu thay đổi thời gian bắt đầu áp dụng giá đã kê khai.
Cơ quan quản lý nhà nước về giá ở trung ương và địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp nhận, rà soát chặt chẽ văn bản kê khai giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của Luật Giá. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Trên cơ sở đó, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có hướng dẫn cụ thể đối với việc quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi dưới dạng thông tư. Việc quy định về quản lý giá sữa tại thông tư này nhằm hướng dẫn việc quản lý giá sữa cho ngành Công Thương, nội dung hoàn toàn dựa trên các quy định đã có về quản lý giá và quy định về hoạt động kinh doanh hàng hóa của doanh nghiệp trên thị trường nói chung; quy định này sẽ áp dụng chung cho tất cả các đối tượng thương nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam (không có sự phân biệt đối xử).
Về đối tượng điều chỉnh, thông tư dự kiến sẽ bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất, kinh doanh mặt hàng sữa và thực phẩm chức năng (gồm doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sữa trong nước; doanh nghiệp, hợp tác xã nhập khẩu; thương nhân phân phối, bán lẻ sữa); các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối (sản xuất, nhập khẩu sữa) có trách nhiệm: tự xác định mức giá bán lẻ sữa và thực phẩm chức năng đến người tiêu dùng cuối cùng và đăng ký hoặc kê khai với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo phân công, phân cấp và triển khai giá bán này cũng như chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm sữa và thực phẩm chức năng trong toàn chuỗi phân phối trên cả nước; Thông báo hệ thống phân phối của mình để cơ quan quản lý nhà nước giám sát việc thực hiện giá bán sản phẩm trên thị trường như đã đăng ký hoặc kê khai.
Trên cơ sở khai báo của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm xác định tính hợp lý, hợp pháp của giá sữa do doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký, kê khai và giám sát việc thực hiện giá bán này trên thị trường.
Như vậy, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối sẽ tự xác định giá bán lẻ đối với sữa và thực phẩm chức năng do mình cung ứng và thực hiện việc kê khai (trong trường hợp không áp dụng biện pháp bình ổn giá) hoặc đăng ký giá đối với mặt hàng sữa (trong trường hợp áp dụng biện pháp bình ổn giá) với Bộ Công Thương, đồng thời thông báo hệ thống phân phối của mình với Bộ Công Thương.
Sau khi xem xét tính phù hợp của mức giá đăng ký hoặc kê khai, Bộ Công Thương sẽ thông báo mức giá nêu trên và thông tin về hệ thống phân phối của từng doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối đến cơ quan quản lý tại các địa phương để phối hợp giám sát giá ở khâu bán lẻ cuối cùng. Mức giá này sẽ là mức giá trần của sản phẩm sữa bán trong toàn hệ thống của doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối, các đơn vị phân phối dưới sự giám sát của các thương nhân đầu mối nêu trên, đồng thời chịu sự kiểm soát của các lực lượng chức năng trên địa bàn kinh doanh (Sở Công Thương, Quản lý thị trường, Thanh tra thuế...).
Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, với phương thức quản lý này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, kiểm soát được chất lượng, giá cả... Đồng thời, xác định được trách nhiệm của các doanh nghiệp, hợp tác xã khi có vi phạm hoặc có thể thu hồi được sản phẩm trong trường hợp sản phẩm có vấn đề về chất lượng.
Nguồn: Thu Hà/Báo Công Thương điện tử