Với một thị trường được đánh giá tăng trưởng nhanh và đầy tiềm năng này, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cũng như đổi mới dịch vụ nhằm có một thị phần lớn.
Nâng cấp cho phù hợp
Từ nhiều năm qua, mô hình siêu thị đơn thuần được phát triển nhiều ở các thành phố lớn trong nước. Tuy nhiên, mô hình kinh doanh này được đánh giá là không còn phù hợp nhiều trong bối cảnh thị trường bán lẻ ngày càng cạnh tranh gay gắt và thói quen mua sắm của người tiêu dùng trong nước đã và đang thay đổi.
Tập đoàn TCC của Thái Lan có nhiều mô hình kinh doanh phân phối khác nhau thế nhưng ở thời điểm này TCC không đưa mô hình siêu thị vào Việt Nam mà chỉ tập trung kinh doanh theo mô hình cửa hàng tiện lợi và phân phối sỉ hiện đại như Metro Cash & Carry và nay được đổi thành MM Mega Market.
Qua khảo sát thị trường, ông Phidsanu Pongwatana, Giám đốc điều hành MM Mega Market Việt Nam thuộc tập đoàn TCC, cho rằng mô hình kinh doanh siêu thị bán lẻ đơn thuần hiện không còn phát triển ở thị trường trong nước do thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã và đang thay đổi. Ông Phidsanu Pongwatana dự đoán các cửa hàng tiện lợi sẽ lên ngôi vì khi mua sắm người Việt Nam hướng tới sự thuận tiện nhiều hơn.
Trong khi đó, Tập đoàn Central Group (Thái Lan), nhà đầu tư của chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam, cho biết sẽ nâng cấp các điểm bán Big C hiện hữu trở thành các trung tâm thương mại (commercial complex) bán lẻ cao cấp, hiện đại, và đa dịch vụ. Cụ thể, từ nay đến năm 2021, Central Group Việt Nam sẽ đầu tư khoảng 30 triệu đô la Mỹ để nâng cấp 13 trong tổng số 34 trung tâm bán lẻ Big C hiện hữu thành các trung tâm thương mại lớn hơn về quy mô và diện tích.
Doanh nghiệp trong nước cũng đang thay đổi để thích ứng với nhu cầu của thị trường. Đơn cử như Saigon Co.op, để đa dạng hóa mô hình kinh doanh bán lẻ, mới đây doanh nghiệp này đã đưa vào hoạt động chợ ẩm thực và khu mua sắm Sense Market tại Khu B Công viên 23-9, quận 1, TPHCM. Đây là mô hình kinh doanh mới kết hợp giữa chợ truyền thống và kênh mua sắm hiện đại, vừa đáp ứng nhu cầu mua sắm, giải trí của khách hàng trong nước, vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức ẩm thực các món ngon châu Á của khách du lịch quốc tế.
Tiếp tục nhân rộng điểm bán
Với dân số hơn 90 triệu dân và người trẻ tuổi chiếm tỉ trọng lớn, Việt kiều từ các quốc gia khác về Việt Nam ngày càng nhiều, GDP tăng trưởng hơn 6%, trong khi kênh phân phối hiện đại chiếm tỷ lệ rất thấp so với kênh phân phối truyền thống..., giới kinh doanh nhận định dư địa thị trường phân phối Việt Nam còn rất lớn để tiếp tục mở rộng chuỗi kinh doanh.
Ông Phidsanu Pongwatana, Giám đốc điều hành MM Mega Market Việt Nam, cho biết bên cạnh 19 điểm bán hiện nay, dự kiến từ năm 2018, mỗi năm công ty sẽ phát triển thêm 5 trung tâm phân phối mới mà TPHCM và Hà Nội sẽ là ưu tiên đầu tư của công ty ...
Nguồn: thesaigontime