Ghi nhận tại các cửa khẩu giáp với Campuchia, thuộc các tỉnh như Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang… tình hình khách Campuchia sang Việt Nam cùng đón tết đã tăng đột biến.
Tuy người dân Campuchia không tục ăn tết nguyên đán như Việt Nam, nhưng không khí vui nhộn trong những ngày tết ở Việt Nam đã thu hút rất nhiều du khách từ bên kia biên giới.
Thiếu tá Lưu Đắc Nhanh - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) - cho biết hiện tại, mỗi ngày có khoảng 1 nghìn khách Campuchia du xuân vui Tết Việt. Du khách Campuchia chủ yếu đến từ 2 tỉnh giáp biên giới với Kiên Giang là: Kam Pot, Ta Keo. Nhưng cũng có cả du khách ở xa hơn như Shihanuok Ville, thậm chí là đến từ thủ đô Phnom Penh.
Theo thiếu tá Nhanh, thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam khá đơn giản, khách Campuchia chỉ cần xuất trình hộ chiếu là có thể đi - về trong ngày cho cả người và phương tiện. Lý do là thị xã Hà Tiên được áp dụng quy chế khu kinh tế cửa khẩu.
Một chiến sĩ biên phòng làm nhiệm vụ canh gác tại cửa khẩu quốc tế Hà Tiên cho biết thêm, do giá xe ô tô ở Campuchia rất rẻ, nên hầu hết du khách nước bạn đến Hà Tiên đều sử dụng xe ô tô riêng, thỉnh thoảng mới có đoàn khách dùng xe buýt cỡ lớn.
“Mấy năm rồi, cứ vào dịp Tết của Việt Nam là tui đưa gia đình mình sang Hà Tiên du lịch. Thường là thăm Thạch Động, chùa Phù Dung, lăng Mạc Cửu rồi ra Mũi Nai ăn uống, tắm biển. Tết Việt Nam vui lắm”, ông Rot Ky - ngụ xã Lục Sơn, huyện Kong Pong Trach, tỉnh Kam Pot (Campuchia) - nói.
Tại bãi biển Mũi Nai (HàTiên), nhiều du khách Campuchia cho rằng ở tỉnh Kam Pot (giáp biên giới với Hà Tiên) cũng có hải sản, có bãi biển đẹp, nhưng cái thiếu duy nhất chính là không khí lễ hội vui tươi của Việt Nam.
Không chỉ tham quan, tận hưởng không khí Tết Việt, mà nhiều du khách Campuchia sang Hà Tiên dịp Tết nguyên đán còn coi đây là cơ hội mua sắm hàng hoá tiêu dùng. Chủ yếu là: thực phẩm chế biến, đồ nhựa, quần áo may sẵn, đồ điện tử phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho gia đình…
Ông Trần Văn Hiệp - bán đồ điện tử ở chợ Hà Tiên - cho biết, khách Campuchia mấy năm trước chỉ dùng đồ điện của Thái Lan, nhưng gần đây chuyển qua hàng do Việt Nam sản xuất. Họ cũng tỏ ra khá “kinh nghiệm” trong việc lựa chọn khi cứ đòi sản phẩm phải có hình chữ “V” màu vàng (tức chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao) mới chịu mua.
Nguồn:tuoitre.vn