Không nên áp trần giá sữa
Điểm nhấn quan trọng theo ông Bruno Angelet, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam là sự ổn định và thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam trong 3 thập kỷ gần đây.
Ông cho rằng, sự thành công trên là bước đi đúng đắn mà Việt Nam đã thực hiện với khát vọng trở thành một thành viên hội nhập toàn diện vào hệ thống kinh tế quốc tế.
"Với số vốn đầu tư liên tục tăng trong thời gian gần đây, trong tương lai EU muốn trở thành đối tác đầu tư số 1 tại Việt Nam," ông Bruno Angelet nói.
Tuy nhiên, để tạo động lực hơn nữa cho việc thu hút đầu tư nước ngoài thì 4 nhóm vấn đề chính đã được Sách Trắng 2017 đề cập và kiến nghị tới Chính phủ Việt Nam. Đó là việc nâng cao sinh kế của người dân, Tăng lựa chọn cho người tiêu dùng, Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam và Hoàn thiện khung pháp lý.
Đáng chú ý, liên quan đến việc nâng cao sinh kế cho người dân, Sách Trắng 2017 đề xuất Việt Nam nên gỡ bỏ chính sách giá trần đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, đồng thời cho phép quay trở lại với cơ chế giá thị trường và không nên tiếp tục áp dụng các biện pháp áp đặt giá bán tối đa như hiện tại, cũng như không ban hành các biện pháp quản lý giá khác.
Phân tích vấn đề này, đại diện EuroCham cho rằng, việc nhà nước can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thông qua các biện pháp hành chính như áp đặt giá bán tối đa đã đi ngược với chủ trương hoàn thiện nền kinh tế thị trường.
Theo EuroCham, kể từ khi biện pháp giá trần được áp dụng vào năm 2014, rất nhiều khoản chi phí đội lên tác động tới hoạt động của nhà sản xuất và phân phối sữa.
Ước tính trên thị trường Việt Nam có hơn 888 sản phẩm sữa khác nhau, chia thành 3 phân khúc: Cao cấp, trung bình và bình dân.
Với thực tế hiện nay, EuroCham kiến nghị, chỉ áp dụng các biện pháp bình ổn giá trong một khoảng thời gian giới hạn nhất định và đối với các sản phẩm thiết yếu "đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người" như quy định trong luật giá.
Còn đối với thị trường sữa công thức, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ không nên kiểm soát giá bán của các sản phẩm ở phân khúc cao cấp và trung bình, mà chỉ nên áp dụng biện pháp bình ổn giá lên phân khúc bình dân để đảm bảo khả năng tiếp cận sản phẩm của người tiêu dùng có thu nhập thấp.
Doanh nghiệp phải được chuẩn bị tốt
Tại lễ công bố Sách Trắng 2017 năm nay, một nội dung được đặc biệt quan tâm là việc triển khai hiệp đinh thương mại tự do Việt Nam-EU (VEFTA), nhằm mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Ông Bruno Angelet nhấn mạnh, đây là một hiệp định thương mại tự do toàn diện tham vọng nhất của EU. Vì thế, hai bên cần chuẩn bị tốt mọi điều kiện để có thể tận dụng tốt khi Hiệp định có hiệu lực.
“Hiệp định FTA Việt Nam-EU có tiềm năng để thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai bên, nhưng câu hỏi là làm thế nào để tận dụng tốt các cơ hội mà hiệp định này mang lại”, ông Bruno Angelet nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của FTA giữa Việt Nam và EU.
Theo ông Lộc, với hàng chục FTA được ký kết và cả những FTA đang đàm phán, Việt Nam hiện là trung tâm kết nối kinh tế toàn cầu.
Lãnh đạo VCCI cũng kêu gọi Chính phủ cũng như các doanh nghiệp của cả Việt Nam và châu Âu có nhiều giải pháp hỗ trợ để nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực cạnh tranh, nhằm tận dụng được cơ hội do VEFTA mang lại.
“Phải có sự chuẩn bị thực chất cho các doanh nghiệp qua đó có thể đón đầu các cơ hội mà hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU mang lại,” ông Lộc nói.
Nguồn: Vietnamplus.vn