menu search
Đóng menu
Đóng

Gấp rút cải thiện chất lượng để cứu ngành hồ tiêu

08:46 22/02/2017

Trước nguy cơ về những hàng rào kỹ thuật ngày càng cao tại các thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu, Mỹ…, ngành hồ tiêu đang nỗ lực nâng cao chất lượng để duy trì kim ngạch xuất khẩu và đảm bảo sự phát triển bền vững.
Hiện các vùng trồng tiêu đang bước vào mùa thu hoạch chính năm 2017. Tuy nhiên giá thu mua hạt tiêu đang trong xu hướng giảm sâu so với thời điểm cuối năm 2016. Cụ thể, giá hồ tiêu tại tỉnh Đồng Nai hiện chỉ ở mức 120.000 đồng/kg, các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước khoảng 122.000 đồng/kg, tại Đăk Nông ở mức 130.000 - 135.000 đồng/kg, giảm mạnh so với mức 180.000 đồng/kg tại thời điểm giữa năm 2016.
Trong năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu một khối lượng hạt tiêu kỷ lục nhất từ trước tới nay, đạt 179.233 tấn hồ tiêu các loại, bao gồm 159.171 tấn tiêu đen và 20.062 tấn tiêu trắng. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,4 tỷ USD, trong đó tiêu đen đạt 1,2 tỷ USD, tiêu trắng đạt 224 triệu USD. So với năm 2015, xuất khẩu hạt tiêu năm 2016 đã tăng 34% về lượng và gần 13% về trị giá. Hiện, hồ tiêu Việt Nam đã có mặt ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó các thị trường có trị giá xuất khẩu tăng mạnh là Pakistan (gấp 3,14 lần), Philippines (gấp 3 lần), Mỹ (tăng 31%), Ai Cập (tăng 23%), Tây Ban Nha (tăng 14%) và Ấn Độ (tăng 12%).
Trong năm 2017, với việc hàng loạt hiệp định song phương và đa phương đã được ký kết, ngành hồ tiêu sẽ có cơ hội tiếp cận một số thị trường mới tiềm năng chưa được khai phá như Nga và một số nước vùng Trung Á, Đông Âu. Những nước này trước đây thường nhập gia vị trong đó nhiều nhất là hạt tiêu từ Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha, Pháp... Nhưng hiện các nước này đang muốn nhập khẩu hồ tiêu trực tiếp từ Việt Nam.
Tuy nhiên, xuất khẩu hồ tiêu hiện đang phải đối mặt với hàng rào kỹ thuật ngày càng cao tại các nước nhập khẩu. Tiêu biểu như vấn đề dư lượng hóa chất Metalaxyl trên hạt tiêu nhập khẩu vào thị trường châu Âu. Trước đây, lượng tối đa cho phép của hóa chất Metalaxyl trên hạt tiêu nhập khẩu vào EU là 0,1ppm. Nhưng mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã đệ trình lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) yêu cầu điều chỉnh mức này lên 0,05ppm. Theo thông tin chính thức từ Hiệp hội Gia vị châu Âu (ESA), trong thư gửi VPA và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cuối tháng 1/2017 vừa qua, trong năm 2016, ESA phân tích 799 mẫu hạt tiêu đen nhập vào EU năm 2016 thì chỉ có 17% số mẫu có mức dư lượng tối đa cho phép dưới 0,05ppm. VPA cho biết, nếu tình hình sản xuất hồ tiêu vẫn như 2016 thì đồng nghĩa với việc năm 2017 có thể có tới trên 80% hạt tiêu của Việt Nam khó có cơ hội vào được thị trường châu Âu, thị trường vốn tiêu thụ xấp xỉ 40.000 tấn, chiếm 23% tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam hàng năm. Không chỉ riêng châu Âu, thị trường Mỹ cũng đang chuẩn bị ban hành hàng loạt qui định mới về yêu cầu chất lượng nông sản nhập khẩu trong đó có hạt tiêu. Năm 2016, Mỹ nhập khẩu gần 40.000 tấn hạt tiêu từ Việt Nam, tăng 49% so với năm 2015 và chiếm tới 22% tổng lượng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam.
Trước tình hình trên, VPA xác định chất lượng hồ tiêu là yếu tố quan trọng nhất quyết định thương mại hồ tiêu của Việt Nam trong năm 2017. Tuy nhiên, VPA cũng thừa nhận rằng sản xuất hồ tiêu Việt Nam vẫn trong tình trạng thiếu bền vững, diện tích tăng nóng, thâm canh quá mức. Theo quy hoạch phát triển hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích hồ tiêu cả nước duy trì ổn định ở mức 50.000 ha, sản lượng đạt 140.000 tấn/năm. Tuy nhiên, theo VPA, đến cuối năm 2016, diện tích trồng hồ tiêu cả nước đã đạt khoảng 130.000 ha, cao gấp hơn 2 lần so với quy hoạch. Trong đó, các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên chiếm trên 90% diện tích cả nước.
Ngoài ra, tâm lý tìm kiếm năng suất cao để có thu nhập cao bằng mọi giá của đa số nông dân trồng hồ tiêu đã khiến việc sử dụng phân bón quá mức, đẩy loại cây này vào tình trạng sinh trưởng mất cân đối, dễ nhiễm sâu bệnh. Từ đó, người nông dân lại sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật để “cứu” tài sản bạc tỷ của mình. Ngoài ra, khâu thu hoạch, bảo quản hồ tiêu cũng không tuân thủ các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Trước thực tế đó, VPA đã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức sử dụng hoá chất cho người trồng hồ tiêu Việt Nam, hoàn thiện quy trình canh tác hồ tiêu theo tiêu chuẩn GAP, hỗ trợ ngành sản xuất hồ tiêu Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ đó, nông dân đã nắm khá rõ về tình hình của ngành hồ tiêu, đặc biệt là vấn đề dư lượng chất cấm nên đều hướng tới canh tác bền vững, dùng phân chuồng được trộn men vi sinh ủ để bón lót cho cây, đồng thời hết sức hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật. Hiện nhiều vùng trồng hồ tiêu lớn đều đang đẩy mạnh triển khai các mô hình nông dân tự liên kết và kết hợp với DN để sản xuất hồ tiêu sạch.
Nguồn: baohaiquan.vn