Đây là nhận định của các chuyên gia tại “Hội thảo kinh tế: Doanh nghiệp Việt Nam và con đường hội nhập trong không gian kinh tế toàn cầu” do Tổ chức giáo dục đào tạo PTI phối hợp với Trường đào tạo kinh doanh chất lượng cao PBS tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, chiều 13/12.
Bà Vũ Thị Thuận - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Traphaco cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng bằng việc tham gia vào cộng đồng APEC, ASEAN, CPTPP, EVFTA…
Cùng với những biến động không ngừng của các xu hướng thương mại thế giới, điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp cũng thay đổi nhanh chóng. Quá trình hội nhập mở ra thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức, cạnh tranh.
Cùng với thương mại, công nghệ cũng không ngừng phát triển với các nền tảng về cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược phát triển bền vững. Doanh nghiệp phải lập kế hoạch để duy trì sự phát triển mọi mặt trong xã hội hiện tại mà vẫn phải bảo đảm sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa, hài hòa giữa hiệu quả kinh doanh với trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường.
Theo bà Thuận, để có thể phát triển bền vững trong bối cảnh mới, doanh nghiệp phải có hệ thống quản trị tạo được niềm tin cho các bên liên quan; đảm bảo tính minh bạch, tăng cường hợp tác và hướng tới mục tiêu tạo ra giá trị dài hạn.
Cùng đó, doanh nghiệp phải chuẩn bị điều kiện nhân lực và cơ sở vật chất để vận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 một cách hợp lý, hiệu quả. Muốn tồn tại, doanh nghiệp phải thích nghi, muốn phát triển phải không ngừng đổi mới, sáng tạo.
Ông Đỗ Cao Bảo - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT phân tích, không gian kinh tế toàn cầu cho phép doanh nghiệp mở rộng phạm vi hoạt động, tiếp cận thị trường ở quy mô rộng lớn hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế, nếu tính doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập vào nền kinh tế Việt Nam được 3 phần thì doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới hội nhập kinh tế thế giới chưa được một phần. Trong khi có rất nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ của nước ngoài hiện diện tại Việt Nam thì số doanh nghiệp Việt vươn mình ra thị trường khu vực rất hiếm hoi.
Khi kinh doanh trên thị trường rộng lớn doanh nghiệp sẽ ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế mang tính khu vực. Thêm vào đó, việc mở rộng thị trường cũng giúp các doanh nghiệp học hỏi nhanh hơn về công nghệ, quản trị, mô hình kinh doanh.
Nhưng để tham gia thị trường khu vực và thế giới thành công như TH True Milk,Viettel, FPT..., các doanh nghiệp cần có quá trình cần tích lũy nội lực cả về chất lượng sản phẩm, giải pháp lẫn năng lực kinh doanh quốc tế; đồng thời xây dựng đội ngũ nhân lực có khả năng quản trị tốt, nâng cao chất lượng dịch vụ, marketing, sale... - ông Bảo phân tích.
Mấu chốt để thành công ở thị trường nước ngoài là năng lực bán hàng, kinh doanh quốc tế, sự khác biệt chứ không phải là có sản phẩm tốt nhất. Thêm vào đó, doanh nghiệp phải am hiểu về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, luật pháp, thói quen tiêu dùng của người dân bản xứ.
Nhưng trên hết, để lớn mạnh, doanh nghiệp Việt Nam phải thoát khỏi sự sợ hãi, từ bỏ được tư tưởng chỉ “quanh quẩn xó nhà” vì với quá trình toàn cầu hóa thương mại không chỉ có thị trường xuất khẩu mà ngay cả thị trường nội địa cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt từ doanh nghiệp nước ngoài.
Theo ông Bảo, về vĩ mô, nhà nước cần có chiến lược thúc đẩy đầu tư vào sản xuất, chế biến sâu thay vì xuất khẩu thô; chú trọng vào sản phẩm có giá trị và hàm lượng công nghệ cao như ô tô, xe máy, đồ điện tử, ứng dụng công nghệ mới.
Bên cạnh các thị trường phát triển truyền thống, Việt Nam cũng cần có chiến lược khai thác hiệu quả hơn các thị trường nhiều tiềm năng như châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh…
Nhận định về thực trạng kinh tế của Việt Nam, ông Choi Bong Sik - Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc tại hải ngoại (OKTA) chi nhánh tại Hà Nội cho rằng, xuất khẩu từ Việt Nam tăng nhanh nhưng phần lớn giá trị ẩn phẩm đều thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài còn Việt Nam chỉ nhận lại lợi nhuận về lao động; chỉ một số ít công ty Việt Nam có thể cạnh tranh toàn cầu.
Hầu hết các công ty Việt Nam hiện tại chỉ đầu tư vào các ngành đơn giản như nông, thủy sản, khai thác tài nguyên thiên nhiên, dệt may đơn thuần đói hỏi chất lượng lao động không quá cao.
Doanh nghiệp Việt ít sản xuất được sản phẩm có giá trị cao, chất lượng ưu việt, thiết kế đẹp mắt và giá cả cạnh tranh thiếu nền tảng công nghệ và kinh nghiệm sản xuất đại trà.
Với điều kiện thuận lợi về quan hệ thương mại và nguồn lao động dồi dào, theo ông Choi Bong Sik, Việt Nam không nên dựa vào các ngành đòi hỏi nhiều nhân công mà cần tập trung vào sản xuất hàng tiêu dùng và sản phẩm công nghiệp công nghệ cao.
Song song với việc mở rộng xuất khẩu, doanh nghiệp Việt phải khai thác tốt thị trường nội địa có quy mô gần 100 triệu dân bằng việc thay thế các sản phẩm nhập khẩu bằng hàng “made in Vietnam”. Giải pháp chinh phục người tiêu dùng hiệu quả nhất chính là đầu tư nghiên cứu và phát triển nhằm tạo ra sản phẩm giá trị và khác biệt.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, với quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa của hầu hết doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, để mở rộng thị trường ở nước ngoài mà vẫn tiết kiệm chi phí. Doanh nghiệp nên xây dựng mạng lưới các đối tác chiến lược ở địa phương.
Việc hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, tập đoàn đa quốc gia cũng là giải pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp Việt nhanh chóng tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, thương mại khu vực và thế giới.