Chương trình thu hút sự tham gia của trên 150 đại biểu đến từ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp hai nước, trong đó có 4 tỉnh, thành phố của Việt Nam (Đắk Lắk, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Vĩnh Long) và 20 doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực cơ khí, nông sản, thực phẩm, dệt may, đá mài, sản phẩm nhựa... Sự kiện hội nghị này cũng là một trong những nội dung hiện thực hóa Biên bản ghi nhớ tăng cường hợp tác về thương mại và công nghiệp giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Chính quyền tỉnh Wakayama được ký kết hồi tháng 10 năm ngoái tại Tokyo, Nhật Bản.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Lê Hoàng Tài cho biết, chính phủ Việt Nam luôn coi Kansai - khu vực chiếm tới 1/4 tổng kim ngạch thương mại và đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam - có tầm quan trọng rất lớn trong phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản. Chính vì vậy, việc tạo ra các cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản tại Kansai nói chung, tỉnh Wakayama nói riêng có thể nắm rõ hơn về tình hình kinh tế, thương mại và môi trường đầu tư của Việt Nam cũng như tạo cầu nối để các địa phương, doanh nghiệp hai bên gặp gỡ trao đổi trực tiếp nhằm tiến tới hợp tác là mục đích cốt lõi của việc tổ chức hội nghị này.
Theo Phó Cục trưởng Lê Hoàng Tài, với vị trí địa lý nằm trên tuyến hàng hải quan trọng nhất của thế giới, ngành sản xuất các sản phẩm công – nông nghiệp đang trên đà phát triển, Việt Nam đang trở thành trung tâm cung ứng hàng hóa dồi dào ở Châu Á cho thế giới, là công xưởng của thế giới trong nhiều mặt hàng như điện thoại, linh kiện điện tử, dệt may, da giày... Các sản phẩm của Việt Nam đang được chú trọng nhiều hơn về cải tiến, nâng cao chất lượng, hình thức và giá trị gia tăng với giá cả cạnh tranh, chắc chắn đáp ứng được tốt hơn các nhu cầu và những đòi hỏi cao của doanh nghiệp và người dân Nhật Bản nói chung và tỉnh Wakayama nói riêng.
Ông Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, trưởng phái đoàn tỉnh Đắk Lắk tham dự hội nghị đánh giá, đây là dịp để Đắk Lắk mở rộng giao thương, mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đến với Đắk Lắk – nơi có điều kiện tự nhiên về đất đai và khí hậu khá thuận lợi, đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu là đất đỏ bazan màu mỡ, một địa phương đứng đầu cả nước về xuất khẩu cà phê - để tìm hiểu và nghiên cứu đầu tư vì lợi ích của địa phương và doanh nghiệp.
Đại diện phái đoàn tỉnh Vĩnh Long tham gia hội nghị, ông Trần Hoàng Tựu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cảm kết đảm bảo, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư Wakayama trong đầu tư các dự án chế biến nông sản, thực phẩm như gạo, cá da trơn, bưởi 5 Roi, chôm chôm, gốm đỏ… phục vụ xuất khẩu, cũng như thương mại, du lịch, hạ tầng khu công nghiệp, đặc biệt là các dự án đầu tư vào Khu công nghiệp Hòa Phú và Khu công nghiệp Bình Minh.
Nhân dịp hội nghị, Phó Cục trưởng Lê Hoàng Tài đã mời các cơ quan, chính quyền tỉnh Wakayama tổ chức phái đoàn mua hàng của tỉnh tới tham quan, giao dịch tại Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam (Vietnam Foodexpo 2019) sẽ diễn ra từ ngày 13-16/11 tại Tp. Hồ Chí Minh.
Cùng với chương trình hội nghị, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức cho các địa phương, doanh nghiệp tham gia các hoạt động nghiên cứu thị trường, khảo sát doanh nghiệp, trao đổi cơ hội kinh doanh và đầu tư với các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh tại Osaka và Wakayama.
Các địa phương, doanh nghiệp đánh giá, những hoạt động này đã giúp địa phương, doanh nghiệp trực tiếp giao dịch, kết nối với các đối tác kinh doanh và đầu tư Nhật Bản tiềm năng, đồng thời cập nhật nhu cầu đầu tư, xu hướng thị trường, hiểu hơn cách làm việc và quản lý của người Nhật ở vùng Kansai, cách thức đưa hàng hóa vào nước phát triển như Nhật Bản. Từ đó có sự thay đổi tư duy và ứng dụng phương thức sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, giúp cho địa phương và doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng đón đầu những cơ hội thương mại, đầu tư đang nổi lên từ việc hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã cùng tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Cục Xúc tiến thương mại
Nguồn: Moit.gov.vn