Chiều 15/4, tại Hà Nội, Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần thứ 12 năm 2023 với chủ đề về “Hợp tác địa phương: Động lực thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, toàn diện sau đại dịch COVID-19” đã thành công tốt đẹp.
Dự lễ bế mạc có ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội; bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt-Pháp, Chủ tịch Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Pháp.
Bà Catherine Deroche, Đặc phái viên của Chủ tịch Thượng viện Pháp, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt tại Thượng viện Pháp cùng các đại sứ, lãnh đạo các địa phương hai nước Việt Nam và Pháp đã tham dự buổi lễ.
Hội nghị được diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác chiến lược. Hội nghị lần thứ 12 cho thấy vai trò và uy tín của cơ chế hợp tác này, với sự tham dự của 50 địa phương của Việt Nam và 12 địa phương của Pháp, cùng nhiều tổ chức nhà nước và tư nhân của hai bên.
Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, cho biết sau ba ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần xây dựng, trao đổi thẳng thắn, tập trung phân tích kỹ theo từng chuyên đề, Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp lần thứ 12 đã bước vào phiên bế mạc.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tin tưởng rằng các cuộc thảo luận vẫn sẽ tiếp nối trên các diễn đàn bởi đó chính là mục đích của hội nghị, tới những kết nối mới, những đối tác mới và những thành công mới.
Hội nghị đã đưa ra Tuyên bố chung, ý thức rõ về những thay đổi môi trường và khí hậu do hoạt động của con người gây ra, khẳng định lại quyết tâm hợp tác, trên cơ sở trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển bền vững, đặc biệt là quản lý nước hiệu quả; thống nhất rằng bảo vệ môi trường là cơ sở vững chắc cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Tuyên bố nhấn mạnh nhu cầu cần nhanh chóng thích ứng với chuyển đổi số, khẳng định hợp tác giữa các địa phương Việt Nam-Pháp có thể đưa ra các hướng hành động và giải pháp hiệu quả để dẫn dắt thành công chuyển đổi, thông qua chia sẻ nhận thức chung, các chính sách, kinh nghiệm thành công và cả thất bại trong phát triển hệ sinh thái số, kinh tế số, xã hội số và thành phố thông minh. Trong quá trình này, mục đích ưu tiên là cải thiện chất lượng dịch vụ công và môi trường kinh doanh.
Nhận thức rõ những thách thức của đô thị hóa đối với sự phát triển bền vững của các thành phố và cuộc sống của người dân, chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài phát triển bền vững. Vì vậy những tư duy đổi mới cần thúc đẩy các dự án dựa trên cách tiếp cận toàn diện và phù hợp với điều kiện địa phương để đảm bảo sự hài hòa, cân bằng giữa hiện đại và truyền thống, bảo tồn di sản, phát triển kinh tế, môi trường, hội nhập và giữ gìn bản sắc văn hóa.
Điều này không chỉ đòi hỏi một tầm nhìn dài hạn về quy hoạch, quản lý đô thị mà còn cần có các giải pháp khuyến khích, huy động các chủ thể khác nhau, đặc biệt là cư dân đô thị tham gia vào quá trình chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững hơn.
Theo Tuyên bố chung, qua các cuộc thảo luận về hình thức bảo tồn di sản, phát huy văn hóa, phát triển du lịch, khẳng định các địa phương Việt Nam và Pháp có chung lợi ích tăng cường hợp tác trong việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, tăng trưởng xanh, công nghiệp văn hóa gắn với bảo tồn di sản vật thể và phi vật thể. Đây chính là các chủ đề quan tâm chung của các địa phương hai nước, cùng với sự tương đồng, khác biệt vốn có, sẽ là những nội dung hợp tác tuyệt vời, cân bằng, phong phú.
Theo Tuyên bố chung, cấp địa phương là thiết yếu và không thể thiếu để đạt được mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030; kêu gọi phát triển hình thức hợp tác này để tiếp tục và nhân rộng; cam kết sẽ triển khai các khuyến nghị của Hội nghị, với sự hỗ trợ của tất cả các bên liên quan.
Nhân dịp này, các địa phương gồm Hà Nội với Toulouse; Yên Bái với Val-de-Marne; Thừa Thiên-Huế với Grand Poitiers đã diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác./.
Nguồn:Nam Giang (TTXVN/Vietnam+)