menu search
Đóng menu
Đóng

Liên kết vùng để tăng cường tiêu thụ lúa gạo

15:23 18/08/2021

Với sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương, tình hình tiêu thụ lúa tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có nhiều cải thiện trong 2 tuần gần đây, tuy giá lúa chưa lên được như kỳ vọng. Do đó, cần phải linh hoạt tháo gỡ khó khăn về lưu thông giữa các địa phương trong sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi cung ứng để đường đi của lúa gạo bớt “nhọc nhằn”.
 
Mở “luồng xanh” cho vận tải đường thủy để tiêu thụ lúa gạoTăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp lúa gạo
Vẫn còn nhiều khó khăn
Những ngày gần đây, giá lúa khu vực ĐBSCL đã nhích dần lên sau khi liên tục giảm sâu trước đó. Theo Tổ công tác 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn -NN&PTNT), so với thời điểm cách đây 2 tuần, diện tích lúa Hè Thu đã thu hoạch được 820 nghìn ha, tăng 200 nghìn ha; giá lúa cũng đã tăng từ 300 đồng đến 500 đồng/kg; diện tích còn lại khoảng 690 nghìn ha đã và đang tiếp tục được thu hoạch. Lúa Thu Đông đã gieo sạ được 400 nghìn ha/700 nghìn ha kế hoạch, đạt 57%. Tuy nhiên quá trình thu mua, tiêu thụ vẫn khá khó khăn.
Chia sẻ tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ NN&PTNT với Tổ công tác 970 của Bộ ở phía Nam và lãnh đạo Sở NN&PTNT 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL diễn ra ngày 17/8, ông Nguyễn Sĩ Lâm – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh- cho biết, về tình hình giá lúa trên địa bàn tỉnh An Giang, tuần qua sau khi lên 200-500 đồng/kg tuỳ giống thì đầu tuần này đã chững lại, có giống lại giảm 100-200 đồng/kg. Mặc dù tỉnh đã gửi nhiều văn bản để đề nghị hỗ trợ thu mua nhưng doanh nghiệp thu mua rất ít, giảm 50% so với năm trước. Hiện nay, địa phương đang lo lắng về tiêu thụ lúa Thu Đông với khoảng 1 triệu tấn.
Trong khi đó, phản ánh về tình hình sản xuất lúa, theo ông Nguyễn Văn Dũng- Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang- cho biết, hiện đã thu hoạch được sản lượng lúa 600 ngìn tấn, đến hết 15/9 sẽ thu hoạch hết diện tích lúa Hè Thu còn lại với sản lượng 800 nghìn tấn. Đồng thời, với vụ Thu Đông đã xuống giống được 88 nghìn ha, dự kiến thu hoạch đến cuối tháng 9. Với hai vụ này, với sản lượng lúa khoảng 1,3 triệu tấn, sau khi cân đối nhu cầu trong tỉnh với 245 nghìn tấn, còn 1,1 triệu tấn để kết nối tiêu thụ. Từ khi có chủ trương hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hiện giá lúa trên địa bàn đã tăng lên với lúa chất lượng cao từ 5.500 – 5.900 đồng/kg. Hiện nay, Hiệp hội lương thực Việt Nam đã giới thiệu 9 doanh nghiệp xuống Kiên Giang để tiến hành thu mua, trong đó có 1 doanh nghiệp đã cam kết thu mua với diện tích 1.000ha.
Còn theo ông Nguyễn Tấn Nhơn- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố có 45 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo trực tiếp. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có 26 doanh nghiệp xuất khẩu đảm bảo đủ điều kiện hoạt động tại chỗ, trong đó, công suất cũng chỉ được khoảng 50% do phải thực hiện giãn cách xã hội,…nên các doanh nghiệp gặp khó khăn. Các địa phương trong vùng đều áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 nên các ghe chưa có “luồng xanh” vận chuyển trong khi mỗi tỉnh có cách làm khác nhau ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu mua lúa gạo của thương lái và doanh nghiệp.
Trên cơ sở phân tích những vướng mắc khó khăn, các địa phương đề xuất, tăng cường kết nối liên vùng trong tiêu thụ sản lượng lúa gạo đang bị tồn đọng tại các địa phương.
Hiện Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang thành lập đường dây nóng chung giữa các tỉnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp thu mua còn ở nhiều tỉnh khác nhau, phải di chuyển khắp các tỉnh ĐBSCL. Do đó, cần thiết lập đường dây nóng giữa các tỉnh để tháo gỡ khó khăn cho khâu thu hoạch, vận chuyển, lưu thông. Bởi thực tế, trong việc lưu thông, mỗi chốt của mỗi tỉnh có những điểm quy định ngặt nghèo riêng. “Bộ NNPTNT có chiến lược để liên kết tiêu thụ trong toàn vùng ĐBSCL chứ không riêng lẻ một vài địa phương”, ông Nguyễn Văn Dũng đề xuất.
Liên kết vùng để tăng cường tiêu thụ lúa gạo
Trên thực tế vẫn còn gặp khó khăn chỗ này, chỗ khác. Vì vậy, cần tích cực tháo gỡ từ phía các địa phương đặc biệt cần tạo điều kiện tối đa cho các thương lái và doanh nghiệp vào thu mua lúa trên địa bàn là việc cần triển khai ngay lúc này. Cùng với đó cần thành lập Tổ điều hành thị trường nông sản ở các địa phương để phối hợp với Bộ NN&PTNT trong liên kết vùng thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản.
Trên thực tế, con đường lưu thông nông sản nói chung và lúa gạo nói riêng của ĐBSCL là một hệ sinh thái, có sự kết nối chặt chẽ, không tách rời. Do đó, để tháo gỡ những khó khăn hiện nay, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - cho rằng, cần có tư duy liên kết vùng, tiểu vùng với nhau, tỉnh này liên kết với tỉnh kia và nhìn phạm vi trên toàn vùng. Cần thiết thành lập cổng thông tin về tình hình sản xuất, tiêu thụ, lưu thông để lãnh đạo các địa phương ĐBSCL có thể nắm được thông tin nhanh chóng và kịp thời. Tổ Công tác 970 xác định một thời gian cụ thể trong ngày để các địa phương báo cáo về tình hình giá cả nông sản thời điểm đó để cập nhật kịp thời và đồng bộ.
Ông Lê Minh Hoan cũng đề xuất, trong thời điểm hiện nay, nên chăng các địa phương cùng cần hình thành các nhóm thương lái ở địa phương, để về lâu dài đưa thương lái vào hệ thống quản lý như một đối tác đồng hành trong sản xuất.
Theo Bộ Công Thương, giá lúa tươi tại ĐBSCL ngày 16/8 các giống IR50404, OM9582 và OM6976 tăng 100 đồng/kg, nếp Long An tăng 100 đồng/kg, nếp 3,5 tháng giảm 50 đồng kg; các giống lúa khác ổn định như tuần trước là Đài Thơm 8, Nàng Hoa, lúa Nhật và giống OM5451 tăng 200 – 300 đồng/kg. Tình hình tiêu thụ lúa gạo có khá hơn do việc tích cực tháo gỡ của địa phương và doanh nghiệp đẩy mạnh hơn công tác thu mua.

Nguồn:Nguyễn Hạnh/Congthuong.vn