menu search
Đóng menu
Đóng

Lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu, vương quốc Anh

13:45 12/05/2023

Các quốc gia EU, Anh tìm cách bảo vệ hàng hóa thị trường nội địa thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại, do đó doanh nghiệp Việt sẽ gặp nhiều thách thức.

Ngày 10-5, Trung tâm Hội nhập quốc tế TP.HCM phối hợp Trung tâm Thông tin và Cảnh báo, Cục Phòng vệ thương mại tổ chức hội thảo “Quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) trong hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU; hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Anh đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và những lưu ý cho doanh nghiệp”.
EU, Anh bảo vệ hàng hóa thị trường nội địa
Theo ghi nhận, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường EU và Anh lần lượt đạt 62,2 tỉ USD, tăng 9,2% và 6,84 tỉ USD, tăng 3,4% so với năm 2021.
Với tín hiệu tích cực trên, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam cũng gặp thách thức khi có thể bị áp dụng các biện pháp PVTM (gồm chống bán phá giá; chống trợ cấp và biện pháp tự vệ) của các quốc gia nhằm bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước của họ.
Ông Huỳnh Minh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm hỗ trợ Hội nhập quốc tế TP.HCM cho biết, thời gian qua kinh tế thế giới cũng như khu vực có nhiều biến động, lạm phát gia tăng nên tiêu dùng của các thị trường giảm. Điều này dẫn tới các quốc gia nhập khẩu như EU, Anh tìm cách bảo vệ hàng hóa thị trường nội địa.
Trong đó có các biện pháp PVTM song song với những công cụ khác. Họ sẽ nâng cao tiêu chuẩn, những quy định đối với hàng nhập khẩu. Đây là thách thức đối với DN Việt trong thời gian tới.
DN Việt phải hết sức hợp tác với các cơ quan nước bạn
Bà Đỗ Thị Sa, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm thông tin và Cảnh báo -Cục PVTM cho biết, số vụ điều tra PVTM đối với hàng Việt Nam đang tăng nhanh.
Riêng năm 2022, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam là đối tượng của 17 vụ điều tra PVMT.
Bên cạnh nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ, có thể thấy không chỉ hàng hóa có kim ngạch xuất khẩu lớn như cá tra, ba sa, tôm, dệt may thì mật ong, máy cắt cỏ… là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ cũng bị điều tra PVTM.
Thông tin về quy trình khởi xướng vụ việc PVTM, bà Nguyễn Trang Nhung, đại diện Cục PVTM cho biết, một trong những thách thức của DN Việt là trả lời một bảng câu hỏi vài trăm trang bằng tiếng địa phương của quốc gia đó. Đối với EU trả lời bằng tiếng Anh và bảng cầu hỏi thường được yêu cầu nộp lại trong vòng 30-37 ngày.
Bà Nhung cũng lưu ý nếu DN là đối tượng của một vụ việc PVTM mà cung cấp thông tin không đầy đủ trong bảng câu hỏi; thông tin không chính xác; nộp trễ thời hạn so với yêu cầu cơ quan điều tra hoặc không nộp thì bị coi là bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ. Khi đó cơ quan điều tra áp dụng một mức thuế rất cao.
Gần đây báo chí cũng nói nhiều đến các vụ việc cụ thể. Ví dụ, Hoa Kỳ điều tra và nếu áp thuế chống bán phá giá đối với đệm mút mức thuế 700%... thì cơ hội để DN Việt xuất khẩu mặt hàng này sang Hoa Kỳ rất ít, hoặc thậm chí không còn nữa.
“Do đó, chúng tôi luôn khuyến cáo DN cố gắng tham gia đầy đủ trong quá trình điều tra, hợp tác với cơ quan điều tra ”- bà Nhung nhấn mạnh.

Tính đến tháng 5-2023, Việt Nam có 288 vụ điều tra PVTM, trong đó từ năm 2017 đến nay có 116 vụ.

Các sản phẩm thường xuyên bị điều tra gồm thép, gỗ, sợi… Quốc gia điều tra nhiều nhất là Hoa Kỳ 53 vụ, Ấn Độ 30 vụ, Thổ Nhĩ Kỳ 25 vụ, Úc 18 vụ, EU 14 vụ… 

Nguồn:plo.vn

Link gốc