menu search
Đóng menu
Đóng

Người Trung Quốc có nhu cầu lớn đối với gạo, sắn, thủy sản

10:39 25/12/2018

Vinanet - Ông Đào Việt Anh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho biết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không còn là thị trường nhập khẩu nông sản dễ tính mà bắt đầu siết chặt hơn các quy định kiểm dịch.

Thương mại Việt Nam - Trung Quốc có thể đạt 100 tỉ USD vào năm 2018

Theo ông Nguyễn Hữu Quân, Phó trưởng phòng Đông Bắc Á, Nam Thái Bình Dương Vụ thị trường Châu Á - Châu Phi, Bộ Công Thương, hiện nay quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển về cả chiều rộng và chiều sâu.

Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam và là một trong những đối tác thương mại lớn nhất.

Ý kiến này được ông Quân chia sẻ tại Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc.

Kim ngạch hai chiều của Trung Quốc và Việt Nam liên tục tăng trưởng đột biến. Năm 2017, Việt Nam đứng thứ 6 trong số các thị trường xuất khẩu và đứng thứ 9 về nguồn cung hàng hóa lớn nhất của Trung Quốc.

Từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ.

Ông Quân cho hay, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam - Trung Quốc năm 2017 ước đạt 93,7 tỉ USD và dự báo năm nay có thể cán ngưỡng 100 tỉ USD.

Bà Doãn Thị Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại thông tin: “Trước đây, nhắc đến Trung Quốc, chúng ta thường nghĩ đến Việt Nam nhập siêu rất lớn từ thị trường này.

Nhưng những năm gần đây, nhờ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ nên khoảng cách nhập siêu của nước ta đối với thị trường này đã và đang giảm đáng kể từ 28 tỉ USD năm 2016 xuống còn 22,7 tỉ USD trong năm 2017”.

Trong 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng về thương mại Việt Nam - Trung Quốc tăng trung bình tới 20%/năm.

Ông Quân cho hay văn hóa tiêu dùng và nhu cầu đối với sản phẩm nông thủy sản rất đa dạng, hơn 30 tỉnh/thành phố đều có nhu cầu khác nhau đối với từng loại sản phẩm cụ thể. Trong khi đó, nông, lâm, thủy sản luôn là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

Ông Quân chỉ rõ Trung Quốc có nhu cầu lớn đối với các mặt hàng như gạo, sắn và các sản phẩm sắn, cao su, chè, rau quả nhiệt đới.

Đối với hàng thủy sản sản bao gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá da trơn đông lạnh và cá da trơn phi lê đông lạnh...

Mỗi địa phương với dân số lớn có thể coi là một thị trờng riêng như Sông Đông (90,5 triệu người), Hà Nam (90,4 triệu người), Quảng Đông (104,3 triệu người). Bên cạnh đó, thu nhập bình quân người ngày càng cao như Quảng Đông 11.034 USD, Giang Tô 14.361 USD, Sơn Đông 10.245 USD, Chiết Giang 12.635 USD.

Những ưu đãi về thuế quan cung góp phần thúc đẩy hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc. Theo cam kết trong Hiệp định Thương mại từ do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Trung Quốc cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 95% số dòng thuế vào năm 2011. Số dòng thuế nhạy cảm còn lại, Trung Quốc cam kết cắt giảm về 5% đến 50% vào cuối lộ trình là năm 2018.

Đến năm 2015, Trung Quốc có 7.845 dòng thuế cắt giảm về 0%, chiếm tỉ lệ 95,35% tổng số dòng thuế và chiếm 91,59% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam. Thuế suất trung bình của biểu thuế Trung Quốc dành cho ASEAN gai đoạn 2015 - 2017 là 0,73%/năm và năm 2018 là 0,565%/năm.

Việt Nam đang đàm phán với Trung Quốc để lùi thời hạn ngưng thông quan mặt hàng tinh bột sắn

Tuy nhiên, ông Đào Việt Anh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, cho biết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không còn là thị trường nhập khẩu nông sản dễ tính mà bắt đầu siết chặt hơn các quy định kiểm dịch.

Chẳng hạn từ ngày 15/11/2018, tại khu vực cửa khẩu Na Hình (Lạng Sơn), Trung Quốc yêu cầu hàng hóa trên bao bì phải ghi rõ loại hàng, quy cách, hàm lượng, ngày sản xuất... nếu hàng hóa không đáp ứng đầy đủ yêu cầu thì sẽ không đủ điều kiện nhập khẩu.

Cụ thể, cơ quan chức năng phía Trung Quốc thông báo hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tinh bột sắn, sắn lát vào thị trường Trung Quốc chưa thông qua Chính phủ Việt Nam để đăng ký danh sách doanh nghiệp sản xuất với cơ quan Hải quan Trung Quốc.

Do vậy, bắt đầu từ ngày 15/11/2018 mặt hàng tinh bột sắn, sắn lát không được phép thông quan.

Tuy nhiên, ông Việt Anh cho hay hiện nay Việt Nam đang đàm phán lại với Trung Quốc để lùi thời hạn thi hành quy định này để doanh nghiệp chuẩn bị.

Ông Việt Anh khuyến nghị doanh nghiệp cần tìm hiểu kĩ thị trường, đặc biệt là những quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, đóng gói bao bì trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Nguồn: Vietnambiz.vn