menu search
Đóng menu
Đóng

Phát triển lúa gạo: Cần thay đổi tư duy

16:16 06/06/2016

Là nước nằm trong “top” đầu XK gạo trên thế giới, song ngành lúa gạo phát triển chưa thực sự bền vững, gạo Việt chưa đi được “xa” khi chất lượng còn hạn chế, giá bán không cao, đặc biệt người nông dân là đối tượng trực tiếp sản xuất lúa gạo lại luôn nằm ở vị trí yếu thế, thiệt thòi.

Nâng vai trò của nông dân 

 

Theo Bộ NN&PTNT: Khối lượng XK gạo 5 tháng đầu năm ước đạt 2,35 triệu tấn, tương đương giá trị 1,06 triệu USD, giảm 2,1% về khối lượng nhưng tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.
Giá gạo XK bình quân 4 tháng đầu năm đạt 445 USD/tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường NK gạo của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm với trên 36% thị phần. Sau Trung Quốc, Indonesia là thị trường NK gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm với gần 16% thị phần.
Tại thị trường trong nước, giá lúa gạo biến động từ ổn định đến giảm nhẹ trong 20 ngày đầu tháng 5. Tình trạng này xuất phát từ sức ép Thái Lan tuyên bố xả kho gạo khổng lồ 11,4 triệu tấn.
Theo các thương lái tại khu vực ĐBSCL: Giá lúa tại một số tỉnh liên tục sụt giảm, sức tiêu thụ yếu. Cụ thể tại Tiền Giang, Long An, giá lúa tươi IR50404 hiện chỉ còn khoảng 4.500 - 4.550 đồng/kg, giảm 250 - 300 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu tại thị trường chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cũng nhanh chóng rớt xuống mức chỉ còn 6.500 - 6.700 đồng/kg so với mức 6.700 - 6.900 đồng/kg.

 

 

Đánh giá về việc phát triển ngành hàng lúa gạo suốt nhiều năm qua, ông Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, còn khá nhiều bất cập tồn tại dai dẳng. Đi sâu phân tích chuỗi giá trị lúa gạo dễ thấy, đối tượng sản xuất, trồng lúa chủ yếu là nông dân với quy sản xuất mô nhỏ, thậm chí rất nhỏ khi trung bình chỉ 0,4 ha/hộ, riêng tại ĐBSCL mới đạt mức 1,2 ha/hộ. Nông dân làm ra lúa, song lại thường xuyên bị thương lái ép giá. Mặc dù vậy, thương lái lại phụ thuộc các DN XK vì các DN này thường nắm các nhà máy xay xát cũng như thị trường XK.

“XK hiện chiếm 65-70% sản lượng lúa gạo tại vùng ĐBSCL. Ai nắm yếu tố XK, người đó quyết định giá. Vì vậy, xét đến cùng, DN XK chính là đối tượng có quyền quyết định giá. Trong số đó, các DN Nhà nước như Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) là các DN chiếm vai trò thống lĩnh. Điều không hề mới nhưng rất đáng đề cập là trong toàn chuỗi giá trị lúa gạo, nông dân vất vả, chịu nhiều rủi ro song hưởng lợi lại ít nhất và lợi nhuận chủ yếu rơi vào tay DN XK. Vấn đề làm thế nào để đảm bảo sự công bằng trong chuỗi giá trị còn khá nan giải”, ông Vinh phân tích.
Liên quan tới vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, để thực sự đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành hàng, cần thực sự nghiêm túc nhìn nhận, nâng cao vai trò của người nông dân trong chuỗi giá trị. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc Nhà nước có chính sách hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất, bỏ hạn điền, tăng cường trợ cấp và bảo lãnh vay vốn cho nông dân. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần hỗ trợ nông dân đủ khả năng hình thành hợp tác xã, công ty cổ phần phục vụ hoạt động xát và XK trực tiếp, giảm phụ thuộc vào DN XK.
Theo ông Vinh, một trong những giải pháp cần thiết còn là thúc đẩy hình thành sàn giao dịch lúa gạo và thị trường phái sinh trên sản phẩm gạo (thị trường tương lai, thị trường quyền chọn) để ổn định giá bán và tạo điều kiện cho người trồng lúa bảo vệ quyền lợi của mình khi có nhiều khách hàng.
Không cần giữ 3,8 triệu ha đất lúa
Theo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020, diện tích đất trồng lúa trên toàn quốc là 3,8 triệu ha. Diện tích này nhằm mục tiêu luôn đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng như góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên thế giới. Trong bối cảnh, XK lúa gạo còn nhiều vấn đề, nhất là về chất lượng, giá cả, đời sống người nông dân trồng lúa còn khá chật vật, nhiều quan điểm đánh giá, duy trì 3,8 triệu ha trồng lúa là điều không cần thiết.
Ông Vinh phân tích, Việt Nam đã là nước XK gạo hàng đầu thế giới, câu chuyện an ninh lương thực không cần quá lo lắng, điều đáng quan tâm là những lợi ích thiết thực cho người nông dân nói riêng, cho phát triển ngành hàng nói chung. Ở nhiều nơi nên để nông dân lựa chọn sản xuất cái gì cho phù hợp, hiệu quả. Yếu tố chất lượng cần được lựa chọn thay cho số lượng, khuyến khích trồng và XK giống lúa chất lượng cao dù sản lượng nhỏ.
Ông Tom Kompas, Trường Chính sách công Crawford, Đại học Quốc gia Úc cũng cho rằng: Trong điều kiện của Việt Nam, việc giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa là tương đối nhiều. Nghiên cứu do ông Tom Kompas cùng một số cộng sự triển khai cho thấy, chuyển đổi một số diện tích đất lúa để trồng các cây phù hợp hơn sẽ giúp tăng cường hiệu quả kinh tế và giảm chỉ số bất bình đẳng giữa các đối tượng trong chuỗi giá trị lúa gạo của Việt Nam. Cụ thể, nếu chuyển đổi 19% đất lúa trên toàn quốc, ước tính có thể làm tăng GDP thêm 5,5 tỷ USD trong 20 năm.
Ông Tom Kompas còn đưa ra khuyến nghị con số chuyển đổi chi tiết cho từng vùng. Theo đó, tại Đồng bằng sông Hồng, diện tích chuyển đổi là 6,35-9,71%. Tỷ lệ chuyển đổi ở ĐBSCL là 8,58-11,75%. Trong các khu vực còn lại, tỷ lệ chuyển đổi cao hơn nhưng quy mô chuyển đổi thì nhỏ hơn.
Theo ông Nguyễn Trí Hoàn, Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm: Ở Việt Nam, sản xuất lúa gạo hiệu quả kém nguyên nhân quan trọng là do ruộng đất quá manh mún. Để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực thì diện tích trồng lúa ở Việt Nam duy trì 3-3,2 triệu ha là đủ. Do đó, câu chuyện giảm bớt diện tích trồng lúa là hợp lý. Tuy nhiên, không cần giảm diện tích ở tất cả các vùng. Ở vùng Đồng bằng sông Hồng có thể giảm diện tích trồng lúa để chuyển sang trồng hoa màu, rau. Ở miền Trung việc chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang cây trồng khác cũng có thể tính toán. Tuy nhiên, riêng vùng ĐBSCL, diện tích rộng lớn, có nhiều điều kiện thuận lợi trồng lúa thì nên giữ nguyên.
Một số chuyên gia đánh giá thêm, xét tới cùng giảm bớt diện tích trồng lúa có thể được, song điều quan trọng nhất là cần xem xét cụ thể đối với từng vùng, chuyển từ cây lúa sang trồng cây gì hoặc làm khác để có lợi hơn thì mới làm chứ không phải đặt ra bài toán, cứ chuyển đổi theo phong trào.

 

Ông Phạm Quang Diệu, Công ty Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam: Gia tăng XK gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc rất đáng lo ngại
Từ năm 2010 đến 2015, Việt Nam có 4 thị trường XK gạo lớn là Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Indonesia, trong đó thị trường Trung Quốc đóng vai trò ngày càng quan trọng. Nếu như trước năm 2012, Trung Quốc chỉ NK chính ngạch khoảng 300 nghìn tấn gạo từ Việt Nam thì suốt từ năm 2012 đến nay, con số NK thường xuyên dao động ở mức 1,9-2 triệu tấn/năm.
Điểm đáng lưu ý trong XK gạo sang Trung Quốc là số lượng gạo xuất theo đường tiểu ngạch qua biên giới khá lớn. Một số năm gần đây, trung bình Việt Nam XK tiểu ngạch qua Trung Quốc 1,5-1,9 triệu tấn/năm, chiếm khoảng 70-90% so với lượng gạo XK chính ngạch. Điều đó cho thấy quy mô cũng như sức ảnh hưởng của gạo tiểu ngạch rất lớn.
Việt Nam mong biến Trung Quốc trở thành thị trường XK tương tự như Indonesia hoặc Philippines, có thể ký kết những hợp đồng lớn để đẩy mặt bằng giá lên cao, tuy nhiên điều này khá khó khăn. Trung Quốc không bao giờ công bố số liệu NK lúa gạo một cách chính xác. Thị trường này áp dụng lối NK vừa chính ngạch vừa tiểu ngạch để có thể đạt mặt bằng giá NK thấp nhất.
Về lâu dài, việc quy mô XK gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc lớn rất đáng lo ngại, bởi tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về tồn kho, giá cả, hình thức thanh toán…
Uyển Như

 

Nguồn: Thanh Nguyễn/Báo hải quan