Việt Nam tăng mạnh nhập khẩu hạt điều từ IndonesiaViệt Nam trúng thầu 108.000 tấn gạo từ Indonesia, giá thấp nhất trong các nguồn cungIndonesia tiếp tục mở thầu 300.000 tấn gạo, thêm yếu tố tích cực cho thị trường
Trong thời gian qua, quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia phát triển thuận lợi và tích cực. Việt Nam là đối tác chiến lược duy nhất của Indonesia trong ASEAN. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao, nhất là năm 2023 khi hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Về hợp tác thương mại song phương, dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết, trong những năm gần đây, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Indonesia tăng trưởng tích cực. Bất chấp Covid-19, kim ngạch thương mại song phương tiếp tục tăng trưởng tích cực, từ 9 tỷ USD năm 2019 lên gần 14 tỷ USD năm 2023.
2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2,36 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt giá trị 1,05 tỷ USD, tăng 37,8% so với năm 2023 và nhập khẩu đạt giá trị 1,26 tỷ USD, tăng 5,6%. Hiện trong ASEAN, Indonesia là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Thái Lan.
“Sự tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Indonesia có nguyên nhân chính từ việc nền kinh tế Indonesia tiếp tục có dấu hiệu tăng trưởng khả quan trong quý I/2024; cùng đó, nhu cầu nhập khẩu gia tăng. Ngoài ra, Indonesia tiếp tục có nhu cầu nhập khẩu gạo cao trong 3 tháng đầu năm” - Thương vụ Việt Nam tại Indonesia phân tích và cho biết thêm, trong số 33 nhóm hàng có số liệu thống kê thì có 24/33 nhóm hàng có giá trị tăng trưởng. Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đạt 217,68 triệu USD, tăng 2,37 lần so với cùng kỳ xuất phát từ việc Indonesia tiếp tục có nhu cầu nhập khẩu gạo dự trữ quốc gia, giá hàng nông sản gạo, cà phê duy trì ở mức cao.
Ngoài ra, cà phê có mức tăng trưởng cao nhất với mức tăng 2,35 lần, đạt giá trị 71,36 triệu USD; gạo tăng 110% đạt giá trị 141,6 triệu USD; thủy sản tăng 82% với giá trị 1,96 triệu USD, rau quả tăng 65% với giá trị là 1,59 triệu USD.
Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, hai nước Việt Nam - Indonesia phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 15 tỉ USD và cao hơn ở mức 18 tỉ USD trước năm 2028 thông qua giảm rào cản thương mại và tạo thuận lợi xuất nhập khẩu các mặt hàng chủ chốt của nhau, trong đó có thương mại gạo.
Tuy nhiên, các sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như: Sản phẩm nông sản, dệt may, thực phẩm, đồ uống, đồ gia dụng, công nghiệp tiêu dùng hiện vẫn chưa thâm nhập mạnh vào thị trường và có giá trị kim ngạch xuất khẩu còn khiêm tốn. Điều này cho thấy, Việt Nam - Indonesia vẫn còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.
Trong thời gian tới, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho rằng, với dân số trên 270 triệu người, lớn thứ 4 thế giới và là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á - Indonesia tiếp tục là thị trường tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam nếu cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt, khai thác đầy đủ các lợi ích mà các FTA của ASEAN và RCEP mang lại cũng như các tiềm năng khác của thị trường Indonesia.
Trước đó, đưa ra các giải pháp để thúc đẩy hợp tác thương mại, công nghiệp và đầu tư giữa hai nước Việt Nam - Indonesia, trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang Kartasasmita diễn ra hồi tháng 1/2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, hai bên cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt trong những lĩnh vực Indonesia có thế mạnh mà Việt Nam có nhu cầu.
Dựa trên những tiềm năng và tiềm lực sẵn có của mỗi nước, Việt Nam và Indonesia có thể cùng nhau hợp tác phát triển hệ sinh thái xe điện và khai thác bền vững các khoáng sản phục vụ phát triển xanh như sản xuất pin xe điện, cũng như hợp tác bán tín chỉ carbon.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chia sẻ, Việt Nam đang tập trung phát triển hệ sinh thái công nghiệp theo hướng bền vững và có các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, công nghiệp xanh, các dự án tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; các dự án thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát triển bền vững; các dự án phát triển hạ tầng chiến lược… Đây cũng là những lĩnh vực mà các doanh nghiệp Indonesia có thế mạnh, có thể đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp Việt Nam.
Chung quan điểm, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang Kartasasmita cho rằng, hai quốc gia còn rất nhiều tiềm năng, dư địa để hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp ô tô điện, logistics, công nghiệp hỗ trợ. Bộ trưởng Agus Gumiwang Kartasasmita tin tưởng, các doanh nghiệp hai nước sẽ đẩy mạnh hợp tác phát triển hệ sinh thái xe điện, sản xuất pin. Ngoài ra, hai Bên cũng có thể tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác cùng quan tâm như kinh tế số, phát triển nguồn nhân lực.
Chiều muộn ngày 22/4, thông báo của Bộ Ngoại giao cho biết, nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Indonesia Retno Marsudi sẽ thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 5 Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam - Indonesia từ ngày 24 - 25/4 tới đây.
Bộ Ngoại giao tin rằng, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia sẽ góp phần củng cố quan hệ ngoại giao kinh tế, thương mại giữa hai nước; đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác mới mà hai bên có tiềm năng, thế mạnh.
Nguồn:Hoàng Giang//congthuong.vn/