menu search
Đóng menu
Đóng

Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản sang Australia

14:36 02/10/2021

Thuỷ sản Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng Australia tin tưởng và ưa chuộng hơn. Để thuỷ sản Việt Nam ngày càng có mặt nhiều hơn tại thị trường này, hai bên cần tăng cường hợp tác trong việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật để các nhà sản xuất của Việt Nam đáp ứng ngày càng tốt hơn tiêu chuẩn kiểm dịch của Australia.
 
Ngày 1/10/2021, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức hội thảo “Xúc tiến xuất khẩu thủy sản sang thị trường Australia” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Theo Hiệp hội VASEP, Việt Nam là một trong những quốc gia cung cấp thủy sản ảnh hưởng lớn đến khả năng cung, cầu trên thế giới. Thủy sản Việt Nam đã có mặt tại 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Hoa Kỳ, các nước châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada và Australia. Thời gian qua, Australia là đối tác lâu dài và là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ 7 của ngành thủy sản Việt Nam với các sản phẩm như: tôm, cá ngừ, cá ba sa… Tỷ trọng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường Australia trong 8 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng khá mạnh, tăng 35,6%.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Nguồn nước và Môi trường Australia Andrew Metcalfe đánh giá, thuỷ sản Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng Australia tin tưởng và ưa chuộng hơn.
Tuy nhiên, để thủy sản Việt Nam ngày càng có mặt nhiều hơn tại thị trường này, theo ông Andrew Metcalfe, hai bên cần tăng cường hợp tác trong việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật để các nhà sản xuất của Việt Nam đáp ứng ngày càng tốt hơn tiêu chuẩn kiểm dịch của Australia. “Việc hai nước đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên thúc đẩy các hoạt động thương mại, trong đó có các doanh nghiệp thủy sản”- ông Andrew Metcalfe nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh cũng cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số và thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, làm thế nào để tăng cường kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường Australia? Những thách thức, cơ hội và biện pháp để giúp doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tận dụng tốt hơn cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do giữa hai bên? Và các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị và chuyển đổi như thế nào để đáp ứng những quy định về nhập khẩu và tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường Australia? “Vì vậy, đề nghị Bộ Nông nghiệp, Nguồn nước và Môi trường Australia và các Hiệp hội, doanh nghiệp nhập khẩu của Australia tăng cường hợp tác, cung cấp thông tin và đẩy mạnh nhập khẩu thủy sản Việt Nam trong bối cảnh ngành thủy sản Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và chuyển đổi theo hướng bền vững.”- Thứ trưởng Vũ Quang Minh đề nghị.
Hiện nay, thuỷ sản Việt Nam đã đạt các tiêu chuẩn về Global Gap, ASC, truy xuất nguồn gốc nhằm đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu của các thị trường phát triển nhất. Bà Tô Thị Tường Lan - Phó Tổng thư ký VASEP - cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam đặt kế hoạch tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất đi cùng với bảo vệ môi trường, sản xuất theo chuỗi khép kín, tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để giám sát quy trình sản xuất, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu đảm bảo an toàn sinh học và thực phẩm.
Trao đổi tại hội thảo, các đại biểu Australia đã chia sẻ với các doanh nghiệp Việt Nam về các quy định nhập khẩu đối với từng loại sản phẩm cụ thể như tôm, các loại cá (bao gồm các loại thuộc họ cá hồi và các loại không thuộc họ cá hồi), trong đó gồm các quy định kiểm dịch, an toàn thực phẩm và an toàn sinh học. Đại diện Bộ Nông nghiệp, Nguồn nước và Môi trường Australia đã giới thiệu các trang web và đầu mối trao đổi về các quy định chi tiết đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào thị trường Australia.
Bên cạnh đó, để tận dụng các các hiệp định tự do thương mại ASEAN-Australia và New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà hai nước là thành viên, các đại biểu đều cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường hợp tác liên quan đến các thủ tục thử nghiệm trong Hiệp định AANZFTA, từ đó có thể tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam thời gian tới. Đồng thời, việc các doanh nghiệp áp dụng thống nhất tiêu chuẩn SPS trong Hiệp định AANZFTA sẽ làm giảm khả năng gián đoạn thương mại và giúp ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam tận dụng các cơ hội tiếp cận thị trường dễ dàng hơn.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến dòng chảy thương mại, thúc đẩy chuyển đổi số, các nhà nhập khẩu Australia nhấn mạnh, Việt Nam cần chuyển nhanh sang áp dụng chứng nhận điện tử vì đây là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhanh hơn, chi phí thấp hơn và an toàn hơn, góp phần giúp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh đối với mặt hàng thủy sản, không chỉ ở thị trường Australia mà còn với các đối tác khác.
Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo của Bộ Ngoại giao, đúng thời điểm và là cơ hội tốt để các cơ quan, doanh nghiệp thủy sản hai bên trao đổi và kết nối, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trong điều kiện “bình thường mới”. Đây cũng là dịp để doanh nghiệp Việt Nam và Australia trao đổi kinh nghiệm về một số quá trình tất yếu của sản xuất trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư như kinh tế số, thương mại điện tử, xúc tiến trực tuyến.
Thu Phương

Nguồn:congthuong.vn

Link gốc