Theo thống kê, doanh thu của thị trường trang thiết bị y tế Việt Nam ước tính hiện vào khoảng 800 triệu USD/năm. Con số này có thể đạt tới 1,2 tỷ USD vào năm 2016 và nâng lên 1,8 tỷ USD vào năm 2018. Mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 sẽ đạt khoảng 18 - 20%/năm. Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư và ngành dược - thiết bị y tế thuộc nhóm các ngành hấp dẫn đầu tư nhất hiện nay.
Nhu cầu đầu tư thiết bị y tế tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng và tập trung vào các thiết bị chẩn đoán hình ảnh, phòng mổ, hồi sức cấp cứu, xét nghiệm chuyên sâu… Hiện nay có khoảng 90% trang thiết bị y tế ở Việt Nam là nhập khẩu; trong đó, các quốc gia cung cấp chủ yếu thiết bị y tế cho Việt Nam là Nhật Bản, Đức, Mỹ, Trung Quốc, Singapore chiếm khoảng 55% giá trị nhập khẩu thiết bị y tế của Việt Nam. Các nhà sản xuất nội địa mới chỉ đáp ứng được nhu cầu cho các vật tư y tế cơ bản như giường bệnh hay các thiết bị sử dụng một lần.
Theo đánh giá của Ipsos Business Consulting triển vọng phát triển của ngành thiết bị y tế Việt Nam là rất khả quan khi tuổi thọ trung bình của người Việt tăng lên cùng với sự gia tăng dân số thuộc nhóm tuổi 60 - 79 sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng các thiết bị y tế trong tương lai. Về khía cạnh sản xuất, kể từ khi gia nhập tổ chức thương mại quốc tế WTO năm 2007, làn sóng các công ty thiết bị y tế đầu tư vào Việt Nam vẫn gia tăng, điển hình như Terumo, Sonion, và United Healthcare đã chuyển nhà máy từ các nước khác về Việt Nam để tận dụng nguồn nhân công giá rẻ và các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ.
Việt Nam tích cực đẩy mạnh phát triển và hiện đại hóa các cơ sở và thiết bị y tế công ở các tỉnh thành phố lớn và địa phương để đáp ứng với nhu cầu ngày càng tăng và giảm thiểu tình trạng quá tải. Theo đó, việc đầu tư trang thiết bị y tế công nghệ cao sẽ tập trung chủ yếu ở các bệnh viện lớn tại các thành phố lớn như (TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ…). Riêng TP. Hồ Chí Minh trong 3 năm tới ước tính sẽ đầu tư khoảng 900 triệu USD để nâng cấp thiết bị y tế cho các bệnh viện.
Tại TP. Hồ Chí Minh, để giúp các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh đầu tư, nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, từ tháng 5/2016, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế, các Sở liên quan và UBND các quận, huyện về việc cho phép các cơ sở y tế công lập tự chủ kinh phí hoàn toàn hoặc một phần được quyết định mua trang thiết bị, vật tư y tế tiêu hao. Đối với việc mua sắm trang thiết bị y tế bằng nguồn vốn ngân sách TP, UBND TP cũng chỉ đạo giao các cơ sở y tế công lập làm chủ đầu tư và thực hiện theo quy định.
Nguồn: Thanh Thanh/Báo Công Thương điện tử