menu search
Đóng menu
Đóng

Tiềm năng xuất khẩu vào thị trường các nước hồi giáo

08:56 20/03/2023

Để đạt chứng nhận Halal, xuất khẩu hàng vào các nước hồi giáo, doanh nghiệp cần tìm hiểu về thông tin sản phẩm, tiêu chuẩn hàng hóa và cả yếu tố văn hóa, đạo đức của người Hồi giáo để từ đó xây dựng và phát triển sản phẩm đạt chứng nhận này.

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam
Hiện số lượng các sản phẩm của Việt Nam vào thị trường Hồi giáo còn quá ít, do các doanh nghiệp chưa có nhiều thông tin cũng như chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển các sản phẩm đáp ứng yêu cầu.
Tại Hội thảo “Xây dựng sản phẩm tiêu chuẩn Halal từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long để tiếp cận các quốc gia Hồi giáo” được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM cho biết, theo báo cáo kinh tế Hồi giáo toàn cầu ước tính chi tiêu cho thực phẩm Halal đang tăng nhanh từ 1.400 tỉ USD của năm 2020 lên 1.900 tỉ USD vào năm 2030, và gần 5.000 tỉ USD vào năm 2050. Thị trường thực phẩm Halal đang ngày càng phát triển với tốc độ nhanh ở khắp các châu lục từ châu Á, Trung Đông, châu Phi cho tới châu Âu và châu Mỹ.
Thị trường các nước Hồi giáo là thị trường tiềm năng với 57 quốc gia, đang chiếm 25% dân số thế giới, dự báo dân số các nước Hồi giáo sẽ chiếm 30% dân số thế giới, là một thị trường lớn, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm Halal đang tăng rất nhanh, trong khi nguồn cung bị thiếu hụt. Tuy nhiên, để đảm bảo tiêu chuẩn đạt chứng nhận Halal việc thâm nhập vào thị trường này đòi hỏi từ khâu nuôi trồng cho đến khâu chế biến phải đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe của người Hồi giáo, do đó các doanh nghiệp cần phải thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn để mở cửa vào thị trường đầy tiềm năng trong tương lai.
Người Hồi giáo chỉ ăn, sử dụng những gì được chứng thực Halal theo luật Shariah, đây là yêu cầu bắt buộc phải có của người Hồi giáo. Vì thế, nền công nghiệp Halal rất rộng lớn, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, như sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm, đồ uống, sản phẩm từ sữa, bánh mỳ, thực phẩm hữu cơ, thảo dược, mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp, dược phẩm, nước hoa...
Ông Ramlan Osman, Giám đốc Trung tâm Halal Việt Nam cho rằng, tiềm năng kinh tế Halal toàn cầu rất lớn. Tuy nhiên, để đưa được các sản phẩm vào các quốc gia Hồi giáo đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chứng nhận Halal cho các sản phẩm của mình. Khoảng 20 sản phẩm có thể khai thác từ thị trường Việt Nam là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp khai thác hiệu quả trong thời gian tới.
Phát triển sản phẩm đạt chứng nhận Halal
Theo ông Ramlan Osman, để đạt chứng nhận Halal, doanh nghiệp cần tìm hiểu về thông tin sản phẩm, tiêu chuẩn hàng hóa và cả yếu tố văn hóa, đạo đức của người Hồi giáo để từ đó xây dựng và phát triển sản phẩm đạt chứng nhận Halal và được các thị trường Hồi giáo nhập khẩu một cách thuận lợi nhất. Ngoài thực phẩm, Việt Nam còn có thể khai thác các dòng sản phẩm như dược phẩm, mỹ phẩm, may mặc.
Hiện nay, Việt Nam chiếm thị phần rất nhỏ trong tổng giá trị thị trường Halal toàn cầu. Trong khi đó, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... không phải là quốc gia Hồi giáo nhưng họ đã đầu tư phát triển chiếm được thị phần lớn của thị trường Hồi Giáo toàn cầu.
Ông Phạm Thế Cường, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết, với đa số dân số theo đạo Hồi, Indonesia là thị trường có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm có chứng chỉ Halal lớn nhất thế giới, do vậy doanh nghiệp xuất khẩu nên chủ động tìm hiểu và xin chứng nhận Halal của Indonesia. Chứng nhận Halal luôn là câu hỏi đầu tiên của bất cứ nhà nhập khẩu, phân phối nào của Indonesia khi có sản phẩm thực phẩm, đồ uống muốn tiếp cận thị trường này.
Để đồng hành cùng doanh nghiệp, trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia sẽ tổ chức gian hàng tại một số hội chợ lớn tổ chức ở nước sở tại; thường xuyên tổ chức toạ đàm kết nối giao thương online đến các nhà nhập khẩu lớn của Indonesia.
Trong năm 2023, thương vụ cũng sẽ tổ chức phiên tư vấn giới thiệu về quy định Halal của Indonesia để giúp doanh nghiệp xuất khẩu có thêm thông tin về chứng nhận này nói riêng, thị trường Indonesia nói chung.
ITPC sẽ làm cầu nối để các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội cho các sản phẩm đạt chứng nhận Halal xuất khẩu sang thị trường các nước Hồi giáo, những khác biệt giữa các nước Hồi giáo trên thế giới; cầu nối cho các đơn vị tư vấn cũng như tổ chức cấp chứng nhận Halal có uy tín hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như chính sách hỗ trợ chi phí tư vấn đào tạo cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các khóa đào tạo về Halal, để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này.

Nguồn:Haiquanonline

Link gốc