menu search
Đóng menu
Đóng

Tìm giải pháp tăng trưởng bền vững cho xuất khẩu gạo

07:00 16/10/2018

Vinanet - Khẳng định vị trí là một trong những mặt hàng tiêu biểu nhóm nông - lâm - thủy sản, tính đến hết quý III/2018, kim ngạch xuất khẩu (XK) sản phẩm gạo vẫn tăng trưởng tương đối khả quan. Nhiều giải pháp đã và đang được triển khai để đẩy mạnh XK bền vững mặt hàng này.

Cơ cấu xuất khẩu chuyển biến tích cực

Gạo được đánh giá là một trong những mặt hàng XK chủ lực của nhóm nông - lâm - thủy sản khi giữ vững đà tăng trưởng XK trong một thời gian dài, dù nhiều sản phẩm khác liên tục giảm giá. Đơn cử, thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, khối lượng gạo XK tháng 9/2018 ước đạt 443.000 tấn với giá trị 212 triệu USD, đưa khối lượng XK gạo 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt gần 5 triệu tấn với kim ngạch 2,5 tỷ USD; tăng 8,5% về khối lượng và tăng 23,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Theo Bộ Công Thương, XK gạo duy trì xu hướng tích cực ngay từ đầu năm 2018 nhờ tín hiệu nhập khẩu trở lại từ nhiều thị trường, theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại. Đơn cử, tại thị trường Indonesia, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký được các hợp đồng giao cho Cơ quan mua bán lương thực Indonesia (Bulog) với số lượng lớn ngay từ các tháng đầu năm; thị trường Philippines ký được hợp đồng tập trung giao 130.000 tấn; thị trường Cuba ký được hợp đồng tập trung và thương mại giao 400.000 tấn. Công ty Liên doanh sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo (V.I.P) cùng Công ty CP Tập đoàn Tân Long khai thác tốt thị trường Iraq, Hàn Quốc; góp phần giúp cho XK gạo tích cực cả về lượng và giá.

Cơ cấu gạo XK cũng có sự chuyển dịch tích cực khi tỷ trọng gạo trắng chất lượng thấp giảm mạnh. Các loại gạo trắng chất lượng trung bình và cao, gạo thơm tăng dần. Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm, tỷ lệ gạo trắng chất lượng cao đã chiếm 22,73%; gạo trắng chất lượng trung bình 19,73%; gạo thơm 33,24%, gạo trắng chất lượng thấp chỉ còn 2,07%.

Đặc biệt, giá gạo XK duy trì ở mức cao góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa với mức giá cao, có lợi cho người nông dân. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, nhiều thời điểm trong năm, giá gạo bằng hoặc cao hơn từ 5 - 10 USD/tấn so với gạo Thái Lan cùng chủng loại. Giá gạo XK duy trì ở mức cao nhưng lượng XK vẫn được duy trì tích cực, gạo Việt Nam vẫn có tính cạnh tranh, nhờ vậy đã giúp nâng giá thu mua trong nước, đem lại lợi nhuận cho người nông dân trồng lúa. Song song với các thị trường truyền thống, hạt gạo Việt đã bước đầu thâm nhập được vào các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Hoa Kỳ, EU...

Đa dạng hóa thị trường

Tuy kết quả XK những tháng đầu năm khả quan nhưng nhiều chuyên gia dự báo, kim ngạch XK gạo thời gian tới sẽ gặp không ít khó khăn khi phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm gạo Thái Lan, Campuchia… Ở các thị trường XK, việc gạo nếp bị áp thuế đến 50% khi XK vào thị trường Trung Quốc dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận thị trường. XK gạo sang Indonesia trong những tháng cuối năm 2018 cũng được dự báo chững lại khi Chính phủ Indonesia vừa hủy quyết định nhập khẩu 600.000 tấn gạo, sau khi Bộ Nông nghiệp nước này dự báo sản lượng gạo năm nay đạt 83 triệu tấn, tăng 2 triệu tấn so với năm ngoái. Thị trường Philippines có quyết định mở thầu vào trung tuần tháng 10, nhưng chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm gạo phẩm cấp thấp.

Tuy nhiên, tình hình XK gạo cũng được dự báo sẽ có nhiều thuận lợi khi Chính phủ vừa thông qua Nghị định 107/2018/NĐ-CP về XK gạo (có hiệu lực từ ngày 1/10/2018) thay thế cho Nghị định 109/2010/NĐ-CP. Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp (DN) XK gạo, với sự thay đổi trong cơ chế, chính sách, đặc biệt là việc cắt giảm nhiều thủ tục hành chính của Nghị định 107 sẽ tạo cho DN sự hứng khởi khi tham gia vào thị trường XK gạo chất lượng cao, ổn định. Cánh cửa XK rộng mở, DN sẽ yên tâm và đầu tư hơn cho vùng nguyên liệu của mình. Những người tham gia thị trường, ngay cả nông dân cũng sẽ phải thay đổi nhận thức, tư duy trong trồng lúa và XK gạo theo hướng gắn bó hơn với các DN, sản xuất ra thị trường các sản phẩm có chất lượng, bảo đảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… để cung ứng cho DN XK gạo.

Về phía DN, nhiều DN như Lộc Trời, Vinafood I, Vinafood II, Tấn Vương, Lương thực - thực phẩm Long An… đang tập trung xây dựng thương hiệu gạo. Đơn cử, Tập đoàn Lộc Trời đang đưa ra thị trường một sản phẩm mới là gạo Vibigaba - gạo thực phẩm bổ sung, được Bộ Y tế công nhận chất lượng và thành phần tương tự như một loại thực phẩm chức năng. Cùng với việc đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng này ở thị trường trong nước, cơ hội để XK cũng tăng cao khi Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định 107 về kinh doanh XK gạo, giúp mở rộng cơ hội XK các sản phẩm gạo hữu cơ, gạo vi lượng… Tuy tỷ suất lợi nhuận trên gạo đối với các sản phẩm này có thể không quá cao nhưng việc đẩy mạnh XK mặt hàng đặc trưng sẽ giúp tăng vị thế gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hoặc, Công ty CP Tập đoàn Tân Long đang đầu tư mạnh cho hạt gạo Japonica hạt tròn, chuyên XK sang Hàn Quốc với giá rất ổn định. Những hướng đi này đã giúp đa dạng hóa thị trường, giúp XK gạo bền vững hơn.

Mục tiêu của Bộ Công Thương là thúc đẩy XK gạo, góp phần tiêu thụ kịp thời lúa gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân. Ứng phó hiệu quả với diễn biến tình hình tại thị trường tập trung truyền thống, trọng điểm và các thị trường mới, tiềm năng. Hướng đến các mục tiêu về lượng, trị giá, cơ cấu chủng loại, tỷ lệ gạo XK trực tiếp và mang thương hiệu gạo Việt Nam, cơ cấu thị trường đã đề ra tại Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn: Baocongthuong.com