menu search
Đóng menu
Đóng

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng trong dài lâu

08:42 24/02/2022

Tình trạng ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc là vấn đề nhức nhối suốt từ cuối năm 2021 đến nay. Dù vậy, phải khẳng định bên cạnh đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, Trung Quốc đã, đang và vẫn sẽ là thị trường quan trọng của hàng Việt nói chung, nông sản nói riêng trong dài lâu.

Nhiều dư địa xuất khẩu
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thời gian tới, Việt Nam còn nhiều dư địa để khai thác thị trường Trung Quốc.
Với dân số hơn 1,4 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt các sản phẩm nông, thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú.
32 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đều có nhu cầu khác nhau đối với từng loại sản phẩm cụ thể, từ phân khúc cao cấp đến bình dân.
Đáng chú ý, riêng 2 địa phương có biên giới tiếp giáp với Việt Nam là tỉnh Vân Nam (48,0 triệu người) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (48,8 triệu người) mang lại cơ hội trực tiếp cho Việt Nam khai thác thương mại qua biên giới.
Bên cạnh đó, Việt Nam - Trung Quốc có đường biên giới trải dài tạo lợi thế về logistics và tập quán giao thương lâu đời.
Đến nay, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc có 76 cửa khẩu, lối mở, gồm: 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 21 cửa khẩu phụ và 42 lối mở, điểm thông quan. Hệ thống này mang lại lợi thế lớn về logistics cho hoạt động thương mại Việt - Trung.
Ngoài ra, Việt Nam và Trung Quốc đã tham gia ký kết Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), có hiệu lực từ năm 2010, với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm.
Hiệp định thương mại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc ký ngày 12/9/2016 đã có hiệu lực ngay ngày ký và thay thế cho Hiệp định về mua bán hàng hóa ở vùng biên giới giữa hai nước ký ngày 19/10/1998 cũng khẳng định cam kết của hai bên về tăng cường phối hợp, áp dụng các biện pháp, tích cực khuyến khích, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới phát triển lành mạnh, liên tục và ổn định.
Trong bối cảnh mới, chính quyền cấp cao 2 nước đã và đang tích cực trao đổi, phối hợp, đưa ra những cam kết về bảo đảm thuận lợi hóa thương mại ở mọi tình huống.
Một số chuyên gia kinh tế nhìn nhận, điểm cộng trong quan hệ giao thương Việt Nam-Trung Quốc còn là 2 thị trường có tính chất bổ trợ lẫn nhau.
Việt Nam hiện xuất khẩu sang Trung Quốc 4 nhóm hàng chính gồm: nhóm nguyên nhiên liệu; nhóm nông sản; nhóm thủy sản và nhóm hàng tiêu dùng. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo.
Thay đổi để đáp ứng yêu cầu
Suốt thời gian qua, theo đuổi chính sách “Zero-Covid-19”, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp “mạnh tay” chưa từng có, liên tiếp dừng hoạt động nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, thực phẩm đông lạnh từ Việt Nam cũng như hoạt động thông quan tại nhiều cửa khẩu, lối mở; đồng thời ban hành nhiều thay đổi về quy định, chính sách để siết chặt hoạt động nhập khẩu.
Điển hình có thể kể đến Lệnh số 248 về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài và Lệnh số 249 về quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, ban hành từ năm 2019 và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022.
Việc siết chặt các quy định không chỉ áp dụng với doanh nghiệp, hàng hóa của Việt Nam mà với tất cả các quốc gia xuất khẩu vào Trung Quốc.
Ùn tắc nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc bên cạnh nguyên nhân trực tiếp đến từ lý do biện pháp kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ của Trung Quốc, phải nói thêm rằng, chất lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chưa thực sự ổn định cũng là vấn đề đáng quan tâm, ảnh hưởng tới uy tín khi giao dịch với các đối tác.
Ví dụ điển hình có thể kể tới như, trong thời gian từ tháng 11 đến tháng 12/2021 phía Trung Quốc đã trả về qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) 105,17 tấn hàng/4 xe cá cơm khô của Việt Nam vì lý do dư lượng Axit Photphoric, phốt phát vượt quá yêu cầu tiêu chuẩn cho phép (ngày 10/11/2021 trả 1 xe và ngày 18/12/2021 trả 3 xe).
Đánh giá về thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - Nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) nêu rõ: phía Trung Quốc đã thay đổi tiêu chuẩn kiểm soát an toàn thực phẩm từ năm 2015 ngang bằng với châu Âu.
Vì vậy, Việt Nam cần thay đổi từ khâu sản xuất tới đàm phán, thương mại. Trong quan hệ xuất khẩu sang Trung Quốc cần chuyển mạnh từ tiểu ngạch sang chính ngạch; cần những doanh nghiệp tiên phong, “đầu tàu” đảm bảo các yêu cầu. Thậm chí phải xác định, có những sản phẩm mất tới 9 – 10 năm mới đàm phán được khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trước mắt, cần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, đảm bảo chất lượng theo đúng yêu cầu của nước nhập khẩu; qua đó, tăng đơn hàng xuất khẩu chính ngạch, hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch theo mùa vụ. “Về lâu dài cần hoàn thiện đồng bộ các giải pháp từ chính sách, việc hợp tác, đàm phán với đối tác, cơ quan chức năng của Trung Quốc, phát triển hạ tầng thương mại...”, ông Nguyễn Văn Tiến nói.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ NN&PTNT cũng như các bộ, ngành rất nhiều lần có thông tin cảnh báo, hướng dẫn cho các địa phương, thương lái, doanh nghiệp làm sao có thể chuyển mạnh sang hình thức xuất khẩu chính ngạch, tiến tới xoá bỏ hình thức xuất khẩu tiểu ngạch.
“Về lâu dài cũng cần tăng cường chế biến sau thu hoạch nhằm đem lại những sản phẩm nông sản có giá trị cao hơn, không bị phụ thuộc vào yếu tố thời vụ. Như vậy, vừa có thể nâng cao giá trị của sản phẩm nông sản, vừa giảm bớt sức ép dồn lên các cửa khẩu như thời gian vừa qua”, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu nói.
 

Nguồn:haiquanonline

Link gốc