menu search
Đóng menu
Đóng

Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đang gặp khó khăn gì?

07:25 18/12/2018

Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng trưởng liên tục, song vẫn tồn tại một thực tế là đa phần doanh nghiệp và cá nhân bán hàng vào thị trường này vẫn làm theo cách thức cũ. Ảnh: IntraFish.

Vinanet -Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cá tra lớn của Việt Nam, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn liên quan tới quy định đưa hàng sang thị trường này.
Tiềm năng lớn nhưng chưa ổn định
Theo nhận định và đánh giá của VASEP và các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc, trong 2 năm tới, Trung Quốc tiếp tục là thị trường láng giềng rộng lớn và tiềm năng của cá tra Việt Nam do nhu cầu tiêu thụ rất lớn và đa dạng sản phẩm với nhiều mức giá khác nhau. Sự thuận lợi về vị trí địa lý, giao thông cũng là một lợi thế cho các doanh nghiệp cá tra sang thị trường này. 
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu chưa thực sự ổn định. Xuất khẩu cá tra sang thị trường này tăng trưởng liên tục, song vẫn tồn tại một thực tế là đa phần doanh nghiệp và cá nhân bán hàng vào đây vẫn làm theo cách thức cũ, tức là sản xuất cái gì thì bán cái đó, thiếu khảo sát nhu cầu thị trường để có thể vừa kiểm soát tốt về giá cả, vừa đảm bảo đủ lượng cho tiêu thụ, VASEP cho biết. 
Từ năm 2015 đến 2018, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hong Kong tăng trưởng liên tục 30 - 88%. Trong đó, riêng 2 năm 2016 - 2017, xuất khẩu cá tra sang thị trường này có dấu hiệu tăng trưởng “nóng”. Đến 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 437,9 triệu USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Hiệp hội. 
Hiện nay, 83,47% sản phẩm cá tra xuất khẩu bằng đường bộ qua cửa khẩu Lạng Sơn, 15,6% qua cửa khẩu Quảng Ninh, còn lại qua cửa khẩu Điện Biên, Cao Bằng. 
Nhập khẩu cá tra gia tăng, Trung Quốc siết quy định 
Hiện có một số khó khăn liên quan tới quy định xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc. Điển hình là quy định về dư lượng photphat trong cá tra. Châu Âu, một trong những thị trường khó tính, hiện quy định hàm lượng này không vượt quá 4%. Tuy nhiên, phía Trung Quốc khi kiểm tra sản phẩm cá tra Việt Nam lại nhận định sản phẩm có dư lượng, không đạt tiêu chuẩn của nước họ. Trong bối cảnh lượng cá tra xuất khẩu vào Trung Quốc tăng mạnh, nước này cũng bắt đầu siết chặt vấn đề an toàn thực phẩm.
 Bên cạnh đó, việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc tiếp quản công tác kiểm nghiệm, kiểm dịch, cũng đã và đang tác động đến doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam. 
Từ tháng 3/2018, Trung Quốc cải tổ cơ cấu một số Bộ ngành, chức năng kiểm nghiệm kiểm dịch thuộc Tổng cục Giám sát Chất lượng. Theo đó, công tác kiểm nghiệm, kiểm dịch được chuyển giao cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc. 
Hải quan cửa khẩu đường bộ Trung Quốc, nhất là khu vực có chung đường biên giới với Lạng Sơn, đã tăng cường giám sát và thực hiện nghiêm các quy định đối với hoạt động xuất – nhập khẩu hàng hóa theo hình thức trao đổi cư dân biên giới và giao dịch tại các cặp chợ biên giới, cũng như vận dụng chính sách miễn thuế 8.000 nhân dân tệ/người/ngày đối với hàng hóa trao đổi qua cư dân biên giới đối với một số mặt hàng, trong đó có cá tra và thủy hải sản. 
Theo ý kiến của các doanh nghiệp, việc kiểm soát như trên chưa công bằng đối với các sản phẩm nhập khẩu theo đường chính ngạch là đường biển. Trung Quốc hiện không kiểm soát chất lượng đối với các mặt hàng nhập khẩu đường biên mậu. Trong khi đó, hàng hóa qua đường biên mậu lại không phải chịu 17% thuế VAT nên khả năng cạnh tranh về giá là rất lớn so với các sản phẩm nhập chính ngạch qua đường biển. 
Chính sách Tạm nhập tái xuất cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc mua nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ nước ngoài vào cảng Hải Phòng, sau đó vận chuyển đường bộ sang Trung Quốc sát đường biên theo chính sách hàng biên mậu để lách thuế nhập khẩu. 
Ngoài ra, việc đăng ký bổ sung các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào “Danh sách các sản phẩm được chấp thuận nhập khẩu vào Trung Quốc” vẫn gặp khó khăn, VASEP cho biết.
 Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm và Thủy sản (NAFIQAD) nhiều lần gửi công thư cho phía Trung Quốc đề nghị không áp dụng quy định đăng ký sản phẩm thủy sản nhập khẩu đối với các doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam, đồng thời đề nghị hai bên gặp gỡ để trao đổi về vấn đề này. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đều từ chối việc gặp gỡ và không phản hồi trước yêu cầu không áp dụng quy định đăng ký sản phẩm nhập khẩu.
 Vừa qua, VASEP gửi văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn xem xét việc áp dụng thực hiện quản lý chất lượng thông qua việc cấp và kiểm tra chứng thư chất lượng trước khi xuất khẩu đi Trung Quốc, có thể làm thí điểm trước 3 tháng. 
Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp đề xuất Bộ Công Thương có đánh giá và kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh chính sách kiểm soát tốt hơn hàng tạm nhập tái xuất, hạn chế tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất – xuất khẩu của Việt Nam. 
Hiệp hội đề nghị Bộ Nông thôn có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn hoạt động xuất khẩu cá tra và thủy hải sản qua đường biên mậu, nhất là cửa khẩu phụ, lối mở, bao gồm cả việc buôn bán, trao đổi cá tra giống qua biên giới; đẩy mạnh các hoạt động trao đổi và gửi công thư với phía Trung Quốc đề nghị cho phép bổ sung thêm sản phẩm mà các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu vào“Danh sách các sản phẩm được chấp thuận nhập khẩu vào Trung Quốc”. 
Nguồn: Phan Vũ/Người đồng hành