Đến nay, Việt Nam có 22 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Năm 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của 22 mặt hàng này đạt 112,85 tỷ USD, chiếm hơn 85,4% tổng KNXK của cả nước.
Như vậy, việc tăng hay giảm kim ngạch của các mặt hàng này sẽ tác động và quyết định quy mô và tốc độ tăng trưởng chung của tổng KNXK của cả nước. Trong đó, đáng mừng là năm 2013 đã xuất hiện một mặt hàng có KNXK vượt trên 21 tỷ USD là điện thoại các loại và linh kiện. Đây là mặt hàng do doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đảm nhận và đang khai thác thị trường thế giới rất hiệu quả. Các chuyên gia cho rằng, nhờ sản phẩm có sức tiêu thụ mạnh và vận hành suôn sẻ, những DN đó còn góp phần thu hút thêm các dự án nhỏ hơn, quy tụ, làm vệ tinh cung cấp linh kiện cho mình. Từ đó, KNXK sẽ tăng lên, kéo theo cả cơ hội về việc làm và nguồn thu trên địa bàn. Mặt khác, thông qua việc xuất khẩu một mặt hàng cụ thể cũng là dịp quảng bá, giới thiệu chất lượng, nâng cao uy tín của hàng Việt, rồi đánh thức sự quan tâm của người tiêu dùng ở các thị trường nhập khẩu. Các mặt hàng khác như dệt may, da giày, dầu thô, cà phê… cũng đang duy trì được phong độ ổn định. Đến nay, các thị trường truyền thống và có sức mua cao như EU, Nhật Bản, Đông Nam Á, nhất là Hoa Kỳ, đã và đang chấp nhận những mặt hàng trên của Việt Nam; trong đó hiện một số DN thuộc lĩnh vực dệt may đã ký được đơn hàng đến hết quý I hoặc quý II năm nay. Quan trọng hơn cả là cơ cấu hàng xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo hướng "tinh thay thô", gia tăng tỷ trọng hàng đã qua chế biến (từ mức 50% trước đây lên khoảng 75% hiện nay). Đây là bước thay đổi về chất rất ấn tượng.
Về mặt điều hành vĩ mô, Chính phủ đã xác định hoạt động xuất khẩu là động lực và quyết tâm phát huy thành tựu của những năm qua, hướng tới kết quả cao hơn trong năm nay. Riêng Bộ Công thương sẽ tăng cường chỉ đạo các DN, hiệp hội ngành hàng, địa phương tập trung nguồn lực cho xuất khẩu. DN được khuyến khích chủ động công tác xúc tiến thương mại, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, trong đó tập trung vào những mặt hàng chủ lực, nhằm vào thị trường lớn kết hợp với việc khai thác thị trường nhỏ lẻ hoặc mới như khu vực Nam Mỹ, Tây Nam Á và Châu Phi. Bộ Công thương cũng khuyến nghị DN thuộc ngành hàng có sản phẩm làm từ tài nguyên hoặc nông sản cần giảm bớt tốc độ khai thác, xuất khẩu sản phẩm thô vì nguồn dự trữ trong nước đang trong quá trình cạn kiệt dần hoặc đã được khai thác đến hết ngưỡng. Thay vào đó, các đơn vị cần đầu tư, áp dụng công nghệ mới để tăng tỷ trọng chế biến đối với hàng xuất khẩu nhằm đạt KNXK cao hơn theo hướng "chất thay lượng". Đặc biệt, đối với các mặt hàng dựa vào nguồn linh kiện, chi tiết nhập khẩu từ nước ngoài về rồi gia công, lắp ráp để xuất khẩu cần tìm cách giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào nguyên, phụ liệu từ nước ngoài. Bộ Công thương đang hỗ trợ DN nội địa trong việc huy động nguồn lực để nâng cao năng lực chế tạo linh kiện, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa để cung cấp cho DN lắp ráp xuất khẩu (nhất là đối với DN ĐTNN).
Thông qua sự liên kết, tiêu thụ sản phẩm của nhau, cộng đồng DN cũng sẽ tạo ra giá trị xuất khẩu cao hơn, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là thời cơ to lớn và rộng mở để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Một khi đáp ứng tốt nhu cầu về nguồn nguyên liệu, linh kiện phục vụ hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu, nhà đầu tư ngoại sẽ an tâm bỏ vốn đầu tư nhiều dự án tại Việt Nam để tận dụng nguồn cung ứng tại chỗ, hạ giá thành phẩm. Như vậy, về lâu dài, Việt Nam có thể đạt được lợi ích "kép", tức là lợi nhuận và tương lai cho DN làm hàng xuất khẩu cũng như tăng quy mô, sức mạnh của nền kinh tế.
Nguồn:Vinanet