menu search
Đóng menu
Đóng

Để ngành dệt may đạt mục tiêu xuất khẩu 10,5 tỷ USD

08:58 14/07/2010
Với kim ngạch xuất khẩu (XK) 6 tháng đầu năm nay đạt 4,8 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước, ngành hàng dệt may (DM) tiếp tục đứng đầu trong số những mặt hàng XK chủ lực của nước ta… Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động trong thời điểm cuối năm đang là vấn đề "nóng" của các doanh nghiệp (DN) ngành dệt may.
Với kim ngạch xuất khẩu (XK) 6 tháng đầu năm nay đạt 4,8 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước, ngành hàng dệt may (DM) tiếp tục đứng đầu trong số những mặt hàng XK chủ lực của nước ta… Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động trong thời điểm cuối năm đang là vấn đề "nóng" của các doanh nghiệp (DN) ngành dệt may. Để hoàn thành mục tiêu đạt kim ngạch XK 10,5 tỷ USD trong năm nay, nhiều DN đã tính đến phương án liên kết nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và hoàn thành đơn hàng đã ký.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tháng 6 các DN DM đã bứt phá đưa sản phẩm của mình trở thành mặt hàng có kim ngạch XK lớn nhất trong các nhóm hàng, đạt khoảng 850 triệu USD. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch XK DM ước đạt hơn 4,8 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2009. Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Vitas cho biết, trong số các thị trường truyền thống, Hoa Kỳ vẫn là thị trường chủ lực của ngành. Những tháng đầu năm, kim ngạch XK sang Hoa Kỳ ước đạt 2,217 tỷ, tăng 23,8% so với cùng kỳ. Tiếp đến là thị trường Nhật Bản với kim ngạch tăng khoảng 12%. Bên cạnh thị trường truyền thống, các DN đã khai thác những thị trường mới như Hàn Quốc, khu vực ASEAN và có mức tăng đáng kể. Với mức tăng trưởng này, sản phẩm DM nước ta hiện chiếm khoảng 2,7% thị phần trên thị trường thế giới. Riêng tại thị trường Mỹ và Nhật Bản, Việt Nam chỉ đứng thứ hai sau Trung Quốc với thị phần tương ứng là 7,4% và 4%.
Hiện nay hầu hết DN trong ngành đều ký được nhiều đơn hàng hơn so với cùng kỳ. Đơn giá sản phẩm tăng khoảng 10% so với giữa năm 2009. Với mức tăng trưởng khả quan trong những tháng đầu năm nay cùng với việc chu kỳ XK của DM thường bắt đầu tăng vào quý II và đạt mức cao nhất vào quý III, dự kiến những tháng cuối năm, kim ngạch sẽ đạt hơn 1 tỷ USD/tháng. Như vậy, mục tiêu đạt kim ngạch XK DM cả năm 2010 là 10,5 tỷ USD là trong tầm tay.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, nhiều DN đang gặp khó khăn do chi phí nguyên, nhiên, phụ liệu đầu vào tăng cao do kinh tế thế giới đang dần phục hồi. Một số DN lại rơi vào tình trạng hợp đồng đã ký, song không đủ số lao động cần thiết để thực hiện đơn hàng. Trước thực tế này, nhiều DN đã tính đến chuyện liên kết để giao hàng theo đúng hợp đồng. Về vấn đề này, ông Phan Văn Kiệt, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty CP May Việt Tiến cho biết, lực lượng lao động của Việt Tiến thường xuyên biến động, nhưng ở ngưỡng chấp nhận được và không gây ảnh hưởng đến sản xuất. Vì vậy, Việt Tiến không chỉ bảo đảm hoàn thành những đơn hàng đã ký mà còn có thể thực hiện đơn hàng cho các DN vệ tinh. Theo ông, giải pháp liên kết chuỗi giữa các DN DM sẽ làm cho DN mạnh lên, nhất là với những DN nhỏ và vừa. Bởi, việc liên kết sẽ giúp DN nhỏ nâng cao năng lực sản xuất, nhất là trong bối cảnh nguyên liệu đầu vào căng thẳng và thiếu hụt lao động như hiện nay.

Các chuyên gia trong lĩnh vực DM cho rằng, để khắc phục những khó khăn của DN DM, bên cạnh giải pháp liên kết, mỗi DN nên tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, cải tiến công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm để tăng sức cạnh tranh. Để duy trì lực lượng lao động ổn định, DN nên có chính sách lương, thưởng hợp lý để người lao động yên tâm làm việc. Ngoài ra, một số DN kiến nghị Nhà nước cần sửa đổi quy chế về nộp lệ phí công đoàn; cho phép DN nộp lên công đoàn cấp trên 0,5% và giữ lại 1,5% để có điều kiện chăm sóc công nhân.

Với kết quả đã đạt được 6 tháng đầu năm, ngành DM có thể kỳ vọng sẽ đạt kim ngạch XK cả năm 10,5 tỷ USD.


Nguồn:Tin kinh tế hàng ngày