menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp cần biết: Các quy định về nhập khẩu của Hàn Quốc

09:22 28/04/2008

 

Hàng hóa nhập khẩu vào Hàn Quốc chịu sự kiểm soát của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng, và được chia làm 3 nhóm:

· Hàng cấm nhập khẩu (không được phép nhập khẩu).

· Hàng hạn chế nhập khẩu (yêu cầu về giấy phép nhập khẩu)

· Hàng tự động thông quan (không cần những giấy phép đặc biệt)

 Giấy phép nhập khẩu 

Giấy phép nhập khẩu có giá trị trong một năm. Thời hạn hiệu lực của giấy phép nhập khẩu có thể khác nhau tùy thuộc cơ quan cấp phép và mặt hàng nhập khẩu.

 Sau khi sửa đổi Luật Hải quan và Nghị định Thi hành có hiệu lực vào ngày 1/1/1997, thủ tục nhập khẩu và quy định đối với chứng từ nhập khẩu đã được đơn giản hóa. Hàng hóa nhập vào Hàn Quốc sẽ không cần phải có giấy phép nhập khẩu (I/L) do ngân hàng ngoại hối phát hành. Qui định đối với chứng từ chấp thuận thanh toán bằng ngoại tệ cũng không còn được áp dụng. Tất cả hàng hóa có thể được tự do nhập khẩu, ngoại trừ những loại hàng như dược phẩm và thiết bị y tế phải đăng ký nhập khẩu trừ khi chúng có tên trong danh sách kiểm soát xuất nhập khẩu (Negative List), và những hàng hóa thuộc danh mục bị hạn chế hoặc cấm nhập khẩu.

Danh sách kiểm soát xuất nhập khẩu (Negative List) thường được hiểu như một Thông báo về Xuất Nhập khẩu (Export and Import Notice). Có 54 Luật giải thích về những quy định và thủ tục đối với việc nhập khẩu một số mặt hàng nhất định (1.074 mặt hàng), với mục đích nhằm bảo vệ y tế cộng đồng và vấn đề kiểm dịch, an toàn quốc gia, bảo vệ môi trường. Đơn xin phép nhập khẩu các mặt hàng thuộc danh sách kiểm soát nhập khẩu (Negative List) phải được cấp bởi cơ quan chính phủ, hoặc Hiệp hội ngành hàng có thẩm quyền.

 Đơn xin phép nhập khẩu phải nộp kèm hợp đồng mua bán, đơn chào hàng và bất cứ văn bản nào mà Ngân hàng hoặc Bộ phụ trách yêu cầu và chỉ những thương nhân đã đăng ký mới được phép nhập khẩu hàng hóa bằng chính tên của họ.

Những sản phẩm có liên quan tới y tế và độ an toàn như dược phẩm phải qua kiểm tra bổ sung hoặc phải có giấy chứng nhận của những tổ chức có thẩm quyền trước có thể thông quan. Thêm vào đó, trong Kế hoạch Thương mại Hàng năm (Annual Trade Plan) của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng (MOCIE) có quy định một số hạng mục hàng hóa đặc biệt (như pháo hoa, thuốc trái phép, những loài có nguy cơ tuyệt chủng...) phải được sự cho phép của Bộ trưởng MOCIE trước khi nhập khẩu. Trong hầu hết các trường hợp, quá trình đăng ký phải được cơ quan địa phương có thẩm quyền bên xuất khẩu thực hiện. Theo Bộ Luật Ngoại thương sửa đổi, tất cả những hạn chế thương mại đối với các công ty kinh doanh đều bị bãi bỏ bằng cách chuyển đổi từ hệ thống cấp phép trước đây sang hệ thống mới cho phép các công ty nộp thông báo nhập khẩu cho MOCIE. 

Chứng từ xuất/nhập khẩu

· Thủ tục thông quan từ phía Hải quan Hàn Quốc đã đơn giản hơn nhờ có việc sửa đổi Bộ luật Hải quan và Nghị định Thi hành có hiệu lực từ tháng 12/1995. Hệ thống đơn xin phép nhập khẩu đã được thay thế bằng hệ thống khai báo nhập khẩu. Nếu tờ khai hải quan đối với hàng nhập khẩu không có chi tiết gì về việc hàng hoá bị lỗi / hỏng… thì hàng hóa sẽ được phép thông quan.

· Ngoại trừ các mặt hàng có mức độ rủi ro cao liên quan đến những vấn đề y tế cộng đồng, kiểm dịch, an ninh quốc gia và môi trường cần phải có chứng từ và yêu cầu kiểm tra bổ sung thì những mặt hàng nhập khẩu bởi những công ty không vi phạm luật thương mại sẽ được thông quan sau khi Hải quan chấp nhận tờ khai hải quan cho những mặt hàng đó và hàng hóa không cần phải kiểm tra bởi Hải quan.

 · Hệ thống EDI (Electronic Data Interchange) (Trao đổi dữ liệu điện tử) thuộc Cục Hải quan Hàn Quốc đã đi vào hoạt động từ tháng 6/1999 và đây là một hình thức thông quan không cần thủ tục giấy tờ, cho phép nhà nhập khẩu có thể tiến hành khai báo nhập khẩu qua mạng máy tính mà không cần trực tiếp đến văn phòng Hải quan.

 · Một sửa đổi đáng chú ý khác về thủ tục thông quan có hiệu lực vào 1/1/1999, đó là: hàng hóa có thể được nhập khẩu trước khi khai báo nhập khẩu và trả thuế. Năm 1999, Cục Hải quan Hàn Quốc đã kết nối tất cả các cơ sở dữ liệu bằng hệ thống máy tính với các cơ quan có giao dịch xuất nhập khẩu (thủ tục cấp phép, giới thiệu, kiểm tra và kiểm dịch).

 · Tờ khai có thể được lập tại văn phòng Hải quan trước khi tàu chở hàng cập cảng, hoặc trước khi hàng hóa được dỡ tại khu vực kho ngoại quan. Trong cả hai trường hợp này, nếu tờ khai hải quan được chấp nhận, hàng hóa có thể được thông quan trực tiếp từ cảng mà không cần phải chuyển hàng vào kho ngoại quan.

 · Cùng với các thủ tục nhập khẩu, thủ tục và chứng từ đối với hàng hóa xuất khẩu cũng đã được đơn giản hóa kể từ ngày 1/1/1997. Hàng hóa xuất khẩu không còn cần phải có giấy phép xuất khẩu (E/L) do ngân hàng ngoại thương cấp. Nhà xuất khẩu chỉ cần điền đầy đủ thông tin vào tờ thông báo xuất khẩu và nộp cho Hải quan Hàn Quốc qua máy tính dựa trên các chứng từ gửi hàng vào thời điểm thông quan hàng xuất khẩu. Tất cả các mặt hàng đều có thể xuất khẩu tự do trừ khi chúng nằm trong danh sách kiểm soát xuất nhập khẩu (Negative List).

Các yêu cầu về chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu

 Các mặt hàng nhập khẩu vào Hàn Quốc cần phải có những chứng từ sau:

Hóa đơn thương mại:

 · Không có hình thức quy định bắt buộc nào. Tuy nhiên, mẫu đơn chuẩn hóa được sử dụng rộng rãi trong xuất khẩu tại Hàn Quốc.

· Có thể in tên hãng ở phần trên đầu của mẫu đơn nhưng phải được cấp và ký bởi người bán và phải chỉ rõ đơn giá từng mục hàng và những chi phí khác nếu cần thiết.

· Nên gửi đến từng đơn vị nhận hàng

 Vận đơn:

Nhà nhập khẩu phải điền đầy đủ vào mẫu đơn của Ngân hàng mở L/C và phải ghi rõ cả tên và địa chỉ đơn vị nhận hàng.

 Phiếu đóng gói

 Phải có tối thiểu 2 bản copy, 1 bản đính kèm thùng hàng, 1 bản gửi đến Ngân hàng đại diện (thường là ngân hàng mở LC). Kèm theo đó là một bản mô tả chi tiết nội dung hàng hóa.

 Giấy chứng nhận xuất xứ

Chỉ bắt buộc phải có khi nhà nhập khẩu đòi hỏi hoặc trong thư tín dụng có chỉ định ghi rõ.

 Các giấy chứng nhận đặc biệt: Đối với những hàng hóa vận chuyển là thực phẩm, hạt giống sản phẩm rau, động vật nuôi và sản phẩm từ động vật, bao gồm cả len trơn và da, phải có giấy chứng nhận vệ sinh do cơ quan có thẩm quyền ở nước xuất xứ cấp. Tất cả các sản phẩm dược và thiết bị y tế đều cần có giấy chứng nhận kiểm dịch với các thông tin chi tiết bao gồm:

· Tên và địa chỉ nhà sản xuất, ngày sản xuất, mã số lô hàng, mã số quản lý, ngày hết hạn sử dụng.

· Sản phẩm phải được sự cho phép sản xuất của chính quyền nước xuất xứ sản phẩm

Đối với những sản phẩm được nhập khẩu lần đầu (ví dụ như thực phẩm có lợi cho sức khỏe), phải có những chứng từ cần thiết như giấy chứng nhận đã qua phân tích thành phần cấu thành và mô tả về phương pháp sản xuất.

 (Bộ Công Thương)

Nguồn:Vinanet