menu search
Đóng menu
Đóng

Doanh nghiệp cần biết: Thâm nhập sâu vào thị trường Canada

09:24 12/05/2008
Canada được đánh giá là một trong ba nền kinh tế lớn hình thành nên Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ với vô vàn cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam.Tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam sang Canada được đánh giá là rất lớn.

Tuy nhiên, còn những khó khăn về khoảng cách địa lý, thủ tục nhập khẩu và sự thiếu hụt thong tin thiết thực cho các nhà kinh doanh Việt Nam nên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Canada vẫn còn chiếm tỷ trọng quá nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Canada. Các doanh nghiệp Canada ít quan tâm đến thị trường Việt Nam. Bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng ít chú trọng đến thị trường Canada, chỉ tập trung chủ yếu vào thị trường Mỹ đồng thời chưa thấy hết được tính thống nhất của thị trường Bắc Mỹ nói chung.

Để đẩy mạnh quan hệ thương mại giữa hai nước, theo Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), cần tập trung xem xét một số vấn đề. Cụ thể như Canada là thành viên của Khối Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có nhiều tập đoàn bán buôn, bán lẻ với hệ thống phân phối trên toàn Bắc Mỹ. Do vậy, hàng hoá đưa vào các kênh phân phối của Canada cũng được coi như đưa vào hệ thống phân phối của toàn khu vực. Đây là đặc điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý, không nên chỉ nhìn vào số dân hơn 32 triệu người của Canada để đánh giá thị trường nhỏ này. Canada là đất nước rất đa dạng về chủng tộc và văn hoá dẫn đến đa dạng về nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng. Các doanh nghiệp cần kết hợp tốt với các cơ quan xúc tiến thương mại và thương vụ Việt Nam tại Canada để tiến hành nghiên cứu thị trường, lựa chọn những mặt hàng tiềm năng phù hợp với năng lực của mình, trên cơ sở đó xác định chiến lược kinh doanh, chiến lược tiếp cận thị trường, tìm ra phương thức xúc tiến thương mại phù hợp nhất với ngnàh hàng, mặt hàng cụ thể của mình.

Đa số doanh nghiệp Canada ít quan tâm đến thị trường Việt Nam, chưa hiểu Việt Nam có thế mạnh về những ngành hàng nào, có những lợi thế so sánh gì. Do vậy, công tác thông tin, quảng bá hình ảnh về một đất nước ViệtNam đổi mới, mở cửa, có những thế mạnh về các chủng loại hàng hoá hấp dẫn và phù hợp với thị trường Canada là hết sức quan trọng. Doanh nghiệp Việt Nam phần nhiều là những doanh nghiệp vừa và nhỏ quy mô sản xuất manh mún, khả năng liên kết kém nên khó có thể đáp ứng được những đơn hàng lớn, khả năng giao hàng theo từng thời vụ mà thị trường Canada yêu cầu. Do vậy, các doanh nghiệp cần có sự kết hợp chặt chẽ cả trong khâu sản xuất đến khâu xuất khẩu sang thị trường Canada. Canada là một trong những nước có hệ thống kiểm soát  chất lượng vào loại chặt chẽ nhất trến thế giới. Đặc biệt là với hàng thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ngoài những vấn đề chung là giá, chất lượng, dịch vụ, bao gói và nhãn mác, nhà xuất khẩu nên tập trung vào thị trường ngách, chuyên theo sản phẩm hoặc thị trường; nâng cao kỹ năng tiếp thị và kiến thức hiểu biết về thị trường; tập trung phát triển và sản xuất các sản phẩm đảm bảo chất lượng và thân thiện với môi trường như tuân thủ tiêu chuẩn ISO 9000, ISO 14000. Ngoài việc chuẩn bị tốt các thông tin về công ty gồm hình ảnh công ty, giá cả, tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm, giấy chứng nhận chất lượng thì việc tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế, thu thập danh mục các nhà nhập khẩu của Canada qua kênh thương vụ ,các tổ chức hỗ trợ kinh doanh, tạp chí chuyên ngành, danh bạ doanh nghiệp Canada là cách tiếp cận thị trường tốt. Thực tế cho thấy, nhiều nhà cung cấp thường băn khoăn rằng đơn đặt hàng từ nhà nhập khẩu Canada thường nhỏ. Tuy nhiên, nhà xuất khẩu cần ghi nhớ rằng thị trường Canada chỉ bằng 10% thị trường Mỹ và do đó họ cần sẵn sàng phục vụ các đơn đặt hàng nhỏ. Một lưu ý nữa là người giao dịch cần nói và viết tốt tiếng Anh hoặc tiến Pháp tuỳ theo sự ưa thích của nhà nhập khẩu.

Một số mặt hàng nhập khẩu chính của Canada là hàng may mặc, hàng giày dép, thuỷ sản, đồ gỗ và nội thất, hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản. Một số điểm doanh nghiệp cần lưu ý là nếu Việt Nam đi vào những nhóm hàng may mặc chất lượng trung bình thì không thể cạnh tranh về giá với Trung Quốc, vì thế doanh nghiệp của ta nên chú trọng vào hàng cao cấp, chất lượng cao, hàng ngách thì mới có hy vọng cạnh tranh được với họ. Ở Canada có sự khác biệt theo khu vực về thái độ tiêu dùng. Chẳng hạn, bang nói tiếng Pháp là Quebec chịu ảnh hưởng nặng của thời trang châu Âu và thích những kiểu dáng tiên phong. Nhiều hãng thời trang mới xâm nhập vào thị trường Canda thường qua Quesbec. Người tiêu dùng ở Ontario và các bang/vùng lãnh thổ khác có tính bảo thủ hơn và chuộng những dòng thời trang cơ bản. Kích cỡ giày dép Canada dựa trên khung kích cỡ của Mỹ, tiêu chuẩn Châu Âu hoàn toàn không tương thích với Canada. Việc này giúp cho nhà xuất khẩu đánh giá được rằng thiết bị hiện tại của mình có đáp ứng được yêu cầu của khách hàng Canda…

 

Nguồn:Vinanet