Vừa qua, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 196/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại với nhiều điểm mới cải cách trong lĩnh vực thủ tục hải quan điện tử.
Sau 7 năm triển khai thí điểm, ngày 23/10/2012 Chính phủ đã ban hành Nghị định 87/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật hải quan về thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại (Nghị định 87), với mục tiêu đưa thủ tục hải quan điện tử trở thành phương thức thực hiện thủ tục hải quan chính thức, tồn tại và phát triển song song với thủ tục hải quan truyền thống. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 196/2012/TT-BTC (Thông tư 196) để hướng dẫn thi hành Nghị định 87, thay thế Thông tư 222/2009/TT-BTC năm 2009 của Bộ Tài chính. Thông tư 196 được kết cấu thành 8 chương, 51 điều và 3 phụ lục, kế thừa những nội dung thí điểm thành công của Thông tư 222 và sửa đổi, bổ sung các nội dung còn bất cập.
Tự động hóa kiểm tra, đăng ký tờ khai và phân luồng tờ khai
Trong thời gian thực hiện thí điểm thủ tục hải quan điện tử theo Thông tư 222, ba khâu nghiệp vụ là kiểm tra, đăng ký tờ khai và phân luồng tờ khai được công chức hải quan thực hiện thủ công thông qua các nghiệp vụ “kiểm tra sơ bộ” và “kiểm tra phân luồng” nên phát sinh nhiều bất cập. Do vậy để thủ tục hải quan điện tử được thực hiện theo đúng nghĩa tự động hóa, giảm tối đa sự can thiệp trực tiếp của công chức hải quan vào quy trình thủ tục, cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan đối với mỗi lô hàng, cần thiết phải xây dựng thủ tục hải quan theo hướng tự động hóa các khâu tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký tờ khai và phân luồng tờ khai trên cơ sở thiết lập các tiêu chí rủi ro.
Quy định cụ thể về chữ ký số
Khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử, người khai hải quan phải sử dụng chữ ký số, và chữ ký số hợp lệ phải được đăng ký với cơ quan Hải quan trước khi sử dụng. Quy định về việc sử dụng chữ ký số khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử đã được quy định tại Thông tư 222, tuy nhiên chưa quy định cụ thể được thế nào là chữ ký số hợp lệ của người khai hải quan khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử, phạm vi hiệu lực của chữ ký số đã đăng ký với cơ quan hải quan… Quy định mới tại Thông tư sẽ tạo điều kiện cho người khai hải quan và cơ quan hải quan trong việc sử dụng chữ ký số khi thực hiện giao dịch điện tử.
Nhiều đối tượng được trao đổi thông tin với Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan
Ngoài cơ quan Hải quan và người khai hải quan được phép truy cập và trao đổi thông tin trong Hệ thống, các đối tượng bổ sung là Tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng (VAN), các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến cấp phép, quản lý chuyên ngành cho hoạt động xuất nhập khẩu, tổ chức tín dụng đã ký thỏa thuận thu nộp ngân sách nhà nước, tổ chức tín dụng thực hiện bảo lãnh số tiền thuế phải nộp cho Hải quan, các tổ chức kinh doanh dịch vụ kho bãi...
Quy định này giúp cho thủ tục hải quan điện tử mang đúng nghĩa tự động.
Bãi bỏ quy định nộp chứng từ điện tử trước thông quan
Thông tư mới bãi bỏ quy định về việc nộp chứng từ điện tử thuộc hồ sơ hải quan để kiểm tra trước khi cho phép thông quan hàng hóa để đảm bảo tính thống nhất về nguyên tắc và kết quả phân luồng giữa thủ tục hải quan thủ công và thủ tục hải quan điện tử với 3 luồng cơ bản: luồng xanh, luồng vàng và luồng đỏ.
Để nâng cao tính tự động hóa, Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đòi hỏi phải có đầy đủ các thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phân tích. Do vậy, Thông tư thiết kế Tờ khai hải quan điện tử có đầy đủ các tiêu chí thông tin phản ánh toàn bộ nội dung của các chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan để phục vụ Hệ thống.
Nếu vẫn giữ nguyên luồng vàng điện tử thì cả người khai hải quan và cơ quan Hải quan đều phát sinh thêm công việc mà không có thêm thông tin mới. Như vậy, vừa tốn thời gian và nhân lực không cần thiết, vừa làm tăng thủ tục hành chính.
Tự động hủy những tờ khai hết hiệu lực
Thông tư quy định đối với những tờ khai quá thời hạn hiệu lực theo quy định tại Điều 18 Luật Hải quan (Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày đăng ký), mà người khai không tiến hành thủ tục hủy tờ khai thì cơ quan Hải quan sẽ tự động hủy tờ khai đó và thông báo cho người khai hải quan. Điều này để tạo điều kiện cho người khai hải quan cũng như cơ quan Hải quan trong việc theo dõi các tờ khai hết hiệu lực và giảm thủ tục hành chính.
Cơ sở để xác định hàng hóa đã xuất khẩu
Thông tư bãi bỏ quy định về xác nhận thực xuất trên tờ khai hải quan điện tử in, thay thế bằng quy định cụ thể các chứng từ chứng minh hàng hóa đã thực xuất khẩu đối với trường hợp thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử.
Ngành Hải quan chính thức bãi bỏ thủ tục xác nhận thực xuất khi Thông tư 194/2010/TT-BTC chính thức có hiệu lực vào ngày 20/1/2011, thay vào đó là áp dụng các cơ sở để xác định hàng hóa đã xuất khẩu. Vì vậy, để đảm bảo thủ tục hải quan là thống nhất, cần thiết phải có quy định tương ứng đối với nội dung này khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử.
Áp dụng báo cáo đối với doanh nghiệp chế xuất
Những doanh nghiệp chế xuất đáp ứng một số điều kiện nhất định về quá trình tuân thủ pháp luật hải quan, có hệ thống công nghệ thông tin để quản lý các hoạt động diễn ra tại doanh nghiệp chế xuất, có quy chế quản lý nội bộ tốt…sẽ được xem xét cho phép báo cáo nhập – xuất – tồn hàng hóa theo năm dương lịch. Những doanh nghiệp chế xuất còn lại phải báo cáo nhập – xuất – tồn theo từng quý và theo từng năm.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Như vậy, ngành Hải quan có đủ cơ sở pháp lý để triển khai chính thức thủ tục hải quan điện tử đến tất cả đơn vị hải quan đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất và nguồn lực thực hiện thủ tục hải quan điện tử.
Nguồn:Vinanet