Trong báo cáo kinh tế vĩ mô, triển vọng thị trường Việt Nam tháng 5-2014 do Ngân hàng HSBC Việt Nam công bố tối 2-5 cho thấy, nhiều chỉ số kinh tế đang thể hiện lợi thế cho xuất khẩu.
Theo HSBC, từ năm 2001, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trưởng trung bình 20% mỗi năm. Ngay cả khi môi trường tăng trưởng toàn cầu phát triển chậm chạp thì nhu cầu nước ngoài đối với các loại hàng hoá Việt Nam từ đầu năm 2014 đến nay cũng tăng 16,9%. Mới đây nhất, chỉ số các nhà sản xuất của Việt Nam (PMI) do HSBC khảo sát cũng tăng mạnh từ mức 51,3 điểm trong tháng 3 lên 53,1 điểm trong tháng 4-2014.
Trong ngắn hạn, HSBC kỳ vọng lĩnh vực sản xuất sẽ phát triển nhờ vào sự hỗ trợ của nhu cầu nước ngoài được cải thiện và hoạt động đầu tư ngày càng tăng. Nhu cầu nội địa cũng sẽ phục hồi khi tăng trưởng tín dụng tăng. Tuy vậy, trong khi triển vọng về mặt trung hạn đang dần tươi sáng hơn thì tốc độ phục hồi chậm chạp sẽ níu chân tăng trưởng trong năm 2014 và 2015. Cả tăng trưởng và lạm phát đều dưới mức 6% trong năm 2014.
Cũng theo nhận định của HSBC, sản lượng, đơn đặt hàng mới, đơn đặt hàng xuất khẩu mới và việc làm đều tăng. Đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng trong hai tháng qua phản ánh nhu cầu từ Mỹ và các nước Khu vực Đồng tiền chung châu Âu đang tăng lên. Sản lượng tăng mạnh trong quý I và sang cả quý II-2014 khi các giải pháp nhằm giảm hàng tồn kho trong những tháng đầu năm đã làm giảm đáng kể lượng hàng tồn kho.
Xuất khẩu hàng dệt may, giày dép và phụ kiện di động tăng so với năm ngoái và sẽ còn có kết quả tốt hơn trong nửa sau năm 2014 khi hoạt động đầu tư mới bắt đầu đưa vào vận hành.
Cùng với hàng hoá sản xuất, một số mặt hàng nông nghiệp cũng được lợi từ giá cả hàng hoá quốc tế ngày càng tăng cao. Cà phê là một ví dụ điển hình khi Brazil phải đối mặt với tình trạng hạn hán đẩy giá mặt hàng này lên cao. Mặt hàng gạo cũng đã thể hiện tốt từ đầu năm đến nay nhờ vào nhu cầu cao hơn ở một số nơi như Philippines.
Tuy nhiên, Thái Lan dự kiến sẽ bán hạ giá lượng gạo dự trữ vào thị trường toàn cầu trong quý II-2014 sẽ khiến giá gạo toàn cầu giảm sút đồng thời cũng giảm giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Tóm lại, lĩnh vực xuất khẩu Việt Nam sẽ được lợi nhờ vào sản lượng sản xuất tăng cao. Cán cân thương mại cũng sẽ thể hiện tín hiệu lạc quan hơn một chút nhờ vào chi phí nhập khẩu xăng dầu giảm thêm (nguyên nhân đều do tình hình giá cả nhập khẩu và sản xuất nội địa tăng cao), đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất và nhu cầu nội địa còn yếu đối với hàng hoá nhập khẩu nước ngoài.
Lĩnh vực sản xuất sẽ là điểm sáng chính yếu đối với nền kinh tế Việt Nam. Các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương, cũng như Hiệp định Thương mại Tự do EU vẫn còn đang trong quá trình thương thảo. Các mức thuế suất đối với một số mặt hàng trọng yếu của Việt Nam như may mặc và dệt sẽ giảm ở một số thị trường quan trọng như Mỹ và Khối Liên minh châu Âu nếu như các cuộc đàm phán này diễn ra thành công…
Nguồn: Báo Hải quan