menu search
Đóng menu
Đóng

Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đảo chiều đi lên

14:40 30/10/2014
Mặc dù xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục đà giảm về khối lượng suốt hơn 1 năm qua nhưng kim ngạch xuất khẩu gạo lại đột nhiên tăng trưởng 1,2% trong 10 tháng đầu năm 2014. Đây là kết quả của việc giá gạo tăng cao trong thời gian gần đây.

Mặc dù xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục đà giảm về khối lượng suốt hơn 1 năm qua nhưng kim ngạch xuất khẩu gạo lại đột nhiên tăng trưởng 1,2% trong 10 tháng đầu năm 2014. Đây là kết quả của việc giá gạo tăng cao trong thời gian gần đây.

Theo thông tin mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10 năm 2014 ước đạt 669.000 tấn với giá trị 317 triệu USD. Con số này đã đưa khối lượng xuất khẩu gạo 10 đầu năm 2014 lên ước đạt 5,68 triệu tấn với giá trị đạt 2,59 tỷ USD, giảm 2,7% về khối lượng, nhưng lại tăng 1,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu gạo đảo chiều đi lên sau một thời gian dài sụt giảm do giá gạo Việt Nam liên tục giảm trên thị trường quốc tế.

Có được sự thay đổi tích cực này là do giá gạo xuất khẩu bình quân của nước ta trong 9 tháng đầu năm 2014 đạt 455,26 USD/tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2013.

Thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2014 là Trung Quốc, chiếm 32,48% thị phần. Trong 9 tháng đầu năm 2014, Trung Quốc nhập gần 1,7 triệu tấn gạo từ Việt Nam với giá trị gần 741.400 USD, giảm 4,04% về khối lượng và tăng 1,24% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Đáng chú ý nhất là thị trường Philippin có sự tăng trưởng đột biến trong 9 tháng đầu năm với mức tăng gấp 3,19 lần về khối lượng và gấp 3,23 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Với mức tăng trưởng này, Philippin vươn lên vị trí đứng thứ 2 về nhập khẩu gạo từ Việt Nam, chiếm 22,06%; tiếp đến là Malaysia, Gana và Singapore, chiếm thị phần lần lượt là 7,07%; 5,76% và 3,19%.

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), đại diện cho Liên minh “Vì quyền của nông dân và hiệu quả của nền nông nghiệp Việt Nam” – gọi tắt là “Liên minh Nông nghiệp” cho biết: “Sản phẩm gạo ở Việt Nam được trợ cấp rất mạnh mẽ ở đầu vào trong các khâu như thủy lợi, cơ sở hạ tầng, vật tư nông nghiệp…Khi chúng ta trợ cấp gạo và chúng ta tự cung tự cấp gạo thì không sao, nhưng chúng ta lại xuất khẩu rất nhiều gạo được trợ cấp thì vô hình chung người trong nước trợ cấp cho người tiêu dùng nước ngoài. Đây là điều tối kỵ trong thương mại quốc tế.”

TS. Thành đề xuất Chính phủ nên xem xét và điều chính một số chính sách liên quan đến ngành lúa gạo, trong đó nên có chính sách hướng về thị trường nội địa vốn chiếm 80% sản lượng lúa gạo của Việt Nam và xây dựng thị trường, với các thương hiệu gạo khác nhau, phục vụ chính người Việt Nam.

Nguồn: Dân trí

Nguồn:Tin tham khảo