menu search
Đóng menu
Đóng

Nhập khẩu cám gạo: Lợi bất cập hại

10:00 30/10/2010
 


Việt Nam là một cường quốc về xuất khẩu gạo và những năm gần đây ngành sản xuất lúa gạo trong nước có khả năng cung cấp khoảng 4 triệu tấn cám gạo cho thị trường thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trong nước. Thế nhưng tồn tại một nghịch lý là nhiều DN chế biến TĂCN lại lựa chọn nhập khẩu cám gạo trích li (cám đã chiết dầu) thay vì sử dụng nguồn cám gạo sẵn có trong nước.

Lợi về giá và thời gian bảo quản

Theo chuyên gia ngành TĂCN của Trung tâm tin học và Thông tin (Bộ NN&PTNT), hiện nay trong cơ cấu NK ngành cám nguyên liệu, cám gạo không phải là mặt hàng chính vì chỉ chiếm chưa đến 1% tổng kim ngạch NK. Hiện cám mì vẫn chiếm tỉ lệ lớn với khoảng 70-75%, tiếp đến là cám từ cây họ đậu và một số loại cám từ họ ngũ cốc khác. Tuy nhiên, thời gian 2 năm trở lại dâydo các DN ngành TĂCN tăng cường nhập ám gạo trích li từ ẤN Độ và một số nước trong khu vực nên kim ngạch NK mặt hàng này tăng mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội TĂCN cho biết, trung bình mỗi năm Việt Nam cần khoảng 17-18 triệu tấn TĂCN, nhưng trong nước mới chỉ đáp ứng được 50%. Vì thế các nhà máy chế biến TĂCN đang phải NK tới 70% lượng nguyên liệu từ nước ngoài, trong đó các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm như đậu tương, khô dầu phải nhập 90-95%, premix khoáng, vitamin, các chất tạo màu, tạo mùi NK 95-98%, thậm chí 100%... Cám gạo tuy chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong thành phần TĂCN nhưng nó là một trong những nguồn nguyên liệu quan trọng bổ sung calories cho các sản phẩm TĂCN. Hiện cả nước mỗi năm sản xuất được khoảng 5-6 triệu tấn phụ phẩm từ việc xay xát gạo, trong đó cám chiếm khoảng 4 triệu tấn (khoảng 3,5 triệu tấn sẽ được bán phục vụ chế biến TĂCN, số còn lại phục vụ chăn nuôi nhỏ lẻ).

Một trong những nguyên nhân khiến việc NK cám gạo trong thời gian qua tăng mạnh là do giá cám gạo nội địa liên tục leo thang từ giữa năm 2009 đến nay. Ở thời điểm giữa tháng 6/2010, giá bán lẻ mặt hàng tại thị trường An Giang đã ở mức 4.680-4.700 đ/kg (cao hơn 7% so với giá trung bình tháng trước đó và cao hơn 32% so với cùng kỳ năm 2009). Mặc dù 2 tháng trở lại đây giá cám gạo nội địa đã giảm một chút nhưng vẫn ở mức 4.050-4.200 đ/kg. Trong khi đó giá cám gạo trích li nhập từ Ấn Độ dao động ở mức 155-157 USD/tấn (cộng các loại chi phí sẽ tương đương 3.300-3.500 đ/kg). Cám gạo trích li có thể bảo quản được khoảng 2-3 tháng trong khi đó cám trong nước do chưa chiết dầu nên không để được lâu, thường chỉ bảo quản được khoảng 2 tuần.Nếu không sử dụng là sẽ bị mốc, hỏng. Các DN chế biến TĂCN do phải cân đối kế hoạch sản xuất nên họ thường lựa chọn cám NK để có thể dự trữ thay vì dùng cám nội.

Theo chuyên gia ngành chăn nuôi (Cục Chăn nuôi – Bộ NN&PTNT), cám gạo đã trích li có hàm lượng xơ rất cao (khoảng 12%-17%). Hàm lượng xơ cao trong thức ăn sẽ gây ảnh hưởng đến sự tiêu hóa của vật nuôi gây khó khăn trong việc thiết lập công thức phối chế cũng như ảnh hưởng thành phần dinh dưỡng của thức ăn. So với cám nội, hàm lượng dầu của cám trích li NK rất ít (dưới 1%) nên giá trị năng lượng thấp, làm ảnh hưởng tốc độ tăng trưởng của vật nuôi. Ngoài ra, độ tươi mới của cám NK luôn kém hơn cám nội do phải chuyên chở đường biển dài ngày cũng như do thói quen trữ hàng của các DN chế biến. Nếu tính từ lúc sản xuất đến lúc được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, cám gạo NK thường đã được trữ tối thiểu 3-4 tháng. Trong quá trình đó, ẩm mốc thường dễ xuất hiện gây giảm chất lượng và không đảm bảo vệ sinh, có thể gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa cũng như sức khỏe vật nuôi. Cám trích li NK gây khó khăn trong việc áp dụng tiêu chuẩn GAP, SQF(thực hành sản xuất tốt) do chủ yếu mua qua đại lý với nhiều trung gian, loại nguyên liệu này không đáp ứng được, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc nguyên liệu.

(AgroViet)

Nguồn:Vinanet