Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) việc nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Campuchia vào Việt Nam sẽ đơn giản hơn với số lượng không hạn chế khi Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định bãi bỏ cấp phép nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ thị trường này.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Vifores cho biết, theo đề nghị của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý từ nay gỗ nhập khẩu từ Campuchia không cần bất cứ một giấy phép nào và quy trình nhập khẩu gỗ từ thị trường này sẽ giống như nhập khẩu gỗ từ các nước khác. Nghĩa là chỉ phải tuân thủ luật pháp của quốc gia bán gỗ và nhập gỗ.
Theo ông Quyền, trước đây, riêng đối với thị trường Campuchia, một công ty của Campuchia muốn khai thác gỗ phải xin Chính phủ hoàng gia Campuchia giấy phép cho xuất gỗ đó vào Việt Nam. Giấy phép đó sau khi được thông qua, Chính phủ Campuchia sẽ gửi cho Việt Nam và Chính phủ Việt Nam đồng ý cho nhập thì lô gỗ đó mới được nhập vào nước ta.
“Chúng ta hiện nhập gỗ của gần 40 nước nhưng không nước nào có yêu cầu như vậy”, ông Quyền nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Quyền cũng giải thích rằng Campuchia có rất nhiều gỗ tốt nên Tổ chức Hòa bình xanh của thế giới rất quan tâm tới vấn đề này. Hơn nữa, tổ chức này cũng tố cáo Việt Nam sang khai thác hủy diệt gỗ quý của Campuchia. Chính vì vậy, hai nước phải hạn chế giao thương gỗ bằng một giấy phép.
Theo Vifores, quyết định của Thủ tướng sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ Campuchia với số lượng không hạn chế, đồng thời sẽ giảm được tiêu cực phí từ việc xin giấy phép của Chính phủ hai bên.
Ông Quyền cũng cho hay, gỗ Campuchia chủ yếu là gỗ quý và được quản lý rất chặt theo Công ước Cites (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp).
Theo Vifores, mỗi năm Việt Nam nhập khoảng từ 30.000 đến 40.000 khối gỗ.
Vifores đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ từ 6 tỉ đô la Mỹ
Ông Nguyễn Tôn Quyền cho hay, Vifores và Bộ Công Thương đã thống nhất đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ năm 2014 đạt từ 6 đến 6,1 tỉ đô la Mỹ.
Theo Vifores, năm 2013 là năm thành công của ngành gỗ. Riêng sản phẩm gỗ xuất khẩu đạt khoảng 5,5 tỉ đô la Mỹ, vượt 300 triệu đô la Mỹ so với năm 2012.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng vượt trội này có đóng góp lớn của thị trường Trung Quốc khi chỉ riêng xuất khẩu sang Trung Quốc đã đạt xấp xỉ 1 tỉ đô la Mỹ, chiếm hơn 18% thị phần. Song, Việt Nam chủ yếu xuất sản phẩm thô như dăm gỗ, gỗ bóc… Còn các sản phẩm tinh chế không nhiều.
Năm 2013, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, đạt khoảng 1,7 tỉ đô la Mỹ và thị trường Nhật Bản có dấu hiệu phục hồi. Còn thị trường EU vẫn giữ nguyên và không có biến động lớn. Các thị trường mới nổi nhập khẩu gỗ Việt Nam năm 2013 là Nga, Ấn Độ, Trung Đông…
Theo ông Quyền, mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu cao, nhưng lãi suất và giá trị gia tăng trong sản phẩm lại ở mức thấp vì giá gỗ nguyên liệu và chi phí sản xuất tăng nhưng giá mua của các nước lại không tăng, nếu có tăng thì không đáng kể, cao nhất là tăng 3%.
“Quan điểm của các doanh nghiệp trong hiệp hội là giữ thị trường, giữ được công nhân và tổ chức sản xuất nên dù lãi ít vẫn làm”, ông Quyền nói.
Nguồn: TBKTSG online