menu search
Đóng menu
Đóng

Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi: Doanh nghiệp nhỏ “đuối” vì dự báo kém

10:19 07/01/2009
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) chuyên nhập khẩu, kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TACN) phải ngừng sản xuất do bị thua lỗ. Các đơn vị này đã ồ ạt nhập hàng về lúc giá cao ngất ngưởng, đến nay, giá nguyên liệu giảm chỉ còn một nửa, hàng chưa về đến Việt Nam đã biết lỗ nặng.

Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, lãi suất ngân hàng cao (hồi tháng 8-2008) và sự sụt giảm đột ngột của giá nguyên liệu khiến cho các DN sản xuất TACN không chịu đựng nổi. Tháng 7-8 và nửa đầu tháng 9, khi giá khô dầu đậu tương thế giới lên 550 USD/tấn, nhiều DN tính toán giá sẽ còn lên cao nữa nên hối hả nhập về với khối lượng lớn. Song từ cuối tháng 10, giá khô dầu chỉ còn 360 USD, nay chỉ còn 300 USD, thậm chí 280 USD/tấn, dẫn đến tồn kho ước khoảng 20.000-30.000 tấn (khoảng 16 triệu USD, thời điểm giá cao nhất). Hơn nữa, do nhập khẩu và dự trữ nguyên liệu với giá cao đỉnh điểm hồi tháng 8, các DN này không thể giảm giá bán TACN (do nguyên liệu chiếm 70% giá trị thành phẩm). Ngoài khô dầu đậu tương, một số nguyên liệu khác cũng giảm giá mạnh: ngô giảm từ 5.200 đồng xuống còn 2.800 đồng/kg; bột cá từ 19.000 đồng xuống 13.000 đồng/kg... Số nguyên liệu này được nhập từ Ác-hen-ti-na, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Pê-ru... và trong tháng 12-2008, tháng 1-2009, hầu hết số hàng này sẽ về tới Việt Nam . Với vụ thua nặng về giá này, mỗi DN nhập khẩu nguyên liệu TACN đã bị thua lỗ khoảng vài chục tỷ đồng. Đến nay đã có khoảng 80% doanh nghiệp TACN bị thua lỗ, 36 DN đã phải tạm ngưng hoạt động. TACN bán chậm, sắn không tiêu thụ được, phẩm chất giảm càng khó bán hơn.

Mặc dù hiện nay, ngành chăn nuôi đang khôi phục mạnh do giá TACN đã hạ từ 15-20% so thời kỳ cao điểm nhưng với mức giá này vẫn là cao trên thế giới.

Điều đáng nói là các DN thua lỗ nặng trong thương vụ mua bán vừa qua đều là DN Việt Nam 100%. Còn các "đại gia" trong ngành TACN, có nguồn vốn nước ngoài vẫn đang tiếp tục trụ vững nhờ chủ động được vốn cũng như nguồn nguyên liệu.

Ông Suwes Wang RunGaRun, Phó Tổng Giám đốc Công ty Charoen Pokphand Việt Nam (CP. Group) cho biết, Công ty đầu tư dây chuyền sản xuất TACN gia súc, gia cầm vào Việt Nam từ năm 1993, khi đó Việt Nam chưa có ngành chế biến TACN công nghiệp. Hiện tại, tổng số vốn của Công ty đã lên tới trên 350 triệu USD và máy móc hoàn toàn được nhập từ các nước tiên tiến nhất, mỗi năm sản lượng TACN gia súc, gia cầm của Công ty đạt 2 triệu tấn; thức ăn cho thủy sản là 500 nghìn tấn bảo đảm cung cấp cho tất cả các đại lý nuôi gia súc, gia cầm cho Công ty. Nhờ nhận định được những biến động của thị trường, Công ty đã có chuẩn bị trước về nguyên vật liệu ngay từ đầu năm 2008, nên đã duy trì được hoạt động sản xuất đều đặn, khi giá nguyên liệu TACN trên thế giới leo thang thì DN đứng ngoài cuộc. Đặc biệt, trong thời gian qua, mặc dù có nhiều biến động về tài chính, lãi suất ngân hàng tăng cao, giá thức ăn cao, thiên tai diễn ra, nhiều DN và các hộ chăn nuôi phải bỏ chuồng, song những người chăn nuôi cho Công ty CP. Group không phải băn khoăn, lo lắng bởi Công ty đã đầu tư từ con giống, thức ăn, kỹ thuật và thuốc thú y. Không những thế, nếu xảy ra dịch bệnh, Công ty hoàn toàn chịu trách nhiệm, người chăn nuôi chỉ việc nuôi theo đúng quy trình của Công ty.

 

 

Nguồn:Internet