menu search
Đóng menu
Đóng

Nhập siêu sẽ quay lại trong năm 2015

11:36 04/11/2014
Sau 3 năm xuất siêu, Bộ Công Thương dự báo nhập siêu sẽ quay trở lại trong năm 2015 do tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp (DN) FDI đã đến ngưỡng.

Sau 3 năm xuất siêu, Bộ Công Thương dự báo nhập siêu sẽ quay trở lại trong năm 2015 do tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp (DN) FDI đã đến ngưỡng.

Có thể xuất siêu 1,5 tỷ USD

Báo cáo tháng 10 của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng ước đạt 123,1 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương với tăng 14,5 tỷ USD), trong đó kim ngạch xuất khẩu của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 82,5 tỷ USD, chiếm 67% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 13,6%.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu 10 tháng của cả nước ước đạt 121,2 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2013. Kim ngạch nhập khẩu của các DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 68,7 tỷ USD, tăng 10,7%, chiếm tỷ trọng 56,6% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước; kim ngạch nhập khẩu của các DN 100% vốn trong nước ước đạt 52,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 43,4% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2013.

Như vậy, xuất siêu xấp xỉ 1,9 tỷ USD, trong đó, khối các DN trong nước nhập siêu gần 12 tỷ USD, khối các DN có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 13,8 tỷ USD.

Với con số thống kê trên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đồng thời là người phát ngôn Bộ Công Thương nhận định, năm 2014 Việt Nam có thể xuất siêu 1,5 tỷ USD, là năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu, dù 2 năm trước đó xuất siêu không nhiều.

Năm 2015 sẽ lại nhập siêu

Tuy nhiên, trái ngược với đà xuất siêu, người phát ngôn của Bộ Công Thương cũng đưa ra một dự báo khác hẳn trong tương lai gần, năm 2015, Việt Nam sẽ nhập siêu do 6 nguyên nhân.

Thứ nhất, thặng dư cán cân chủ yếu do DN FDI, còn các DN Việt Nam vẫn nhập siêu. Bản thân các DN FDI cũng đã đến “ngưỡng” bởi sản xuất của DN dần đạt công suất dự kiến. Ví dụ 2012, DN FDI tăng xuất khẩu đến 31% nhưng 2013 tăng 22%, 2014 chỉ còn 12%. Đến năm 2015, khả năng tăng trưởng xuất khẩu của DN FDI không nhiều như những năm trước.

Ông Hải cho hay, nguyên nhân là do từ trước đến nay tăng trưởng của nhóm DN FDI chủ yếu là mặt hàng điện thoại di động. Ví dụ, năm 2012 mặt hàng này tăng 126% so với 2011, nhưng đến năm 2013 tốc độ tăng chững lại đạt 45,3%, 10 tháng năm 2014 chỉ tăng 6% so với cùng kỳ. Điều này chúng ta đặc biệt phải lưu ý. Trong khi khối DN trong nước vẫn nhâp siêu.

Thứ hai, năm 2015 được đánh giá là năm mở ra nhiều cơ hội cho xuất nhập khẩu, tuy nhiên ở giai đoạn đầu chưa có khả năng tăng cao về lượng do nguồn hàng trong nước chưa đáp ứng về số lượng và chất lượng để thâm nhập thị trường xuất khẩu.

Thứ ba, kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng tốt hơn và dự báo triển vọng thu hút đầu tư từ các hiệp định thương mại tự do. Vì vậy, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để đón bắt cơ hội sẽ gia tăng dẫn đến việc nhập khẩu nhiều máy móc thiết bị. “Năm 2015 là thời điểm gia tăng nhập khẩu làm giảm xuất siêu”, ông Hải nói.

Thứ tư, do bất ổn trong quan hệ chính trị với Trung Quốc, chỉ đạo của Chính phủ là cần đa dạng hóa thị trường không quá phụ thuộc vào một thị trường. Vì thế, chúng ta phải tìm nguồn nhập khẩu ở nhiều nước. Tuy nhiên, chất lượng hàng hóa, nguyên vật liệu các nước khác thường tốt hơn nên giá cao hơn. Do đó, tổng kim ngạch nhập khẩu cao hơn cũng dẫn tới nhập siêu.

Thứ năm, triển vọng phát triển xuất khẩu từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam sắp ký kết như Việt Nam – EU, Việt Nam với Liên minh Thuế quan… nên DN các nước cũng dịch chuyển nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu khiến kim ngạch nhập khẩu tăng.

Thứ sáu, một số nhà nhiệt điện đi vào hoạt động từ năm 2015 nhưng phải nhập khẩu than vì trong nước chưa đáp ứng được. Kể cả Nhà máy lọc dầu Dung Quất, ngoài 30% đáp ứng xăng dầu trong nước sắp tới còn phải nhập khẩu dầu thô để chế biến trong nước thay vì nhập khẩu xăng dầu từ các nước.

Với những phân tích trên, Bộ Công Thương dự báo, xuất khẩu năm 2015 dù vẫn tăng 10%, ước đạt 163 tỷ USD nhưng sẽ phải nhập khẩu nhiều hơn. Vậy nên, trong 2015 Việt Nam sẽ nhập siêu 6 đến 8 tỷ USD.

Nguồn: Báo Hải quan

Nguồn:Hải quan Việt Nam