Trong năm 2013, giá gạo xuất khẩu có xu hướng giảm, mức giảm khoảng 7- 8% so với mức giá cuối năm 2012, đó là nhận định từ nghiên cứu mới đây của chuyên gia thuộc Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính).
Năm 2012, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng hơn năm trước khoảng 300.000 tấn nhưng giá trị chỉ tương đương năm 2011 do giá gạo xuất khẩu bình quân năm giảm khoảng 50 USD/tấn so với năm 2011, trong khi giá gạo thế giới bình quân năm nay vẫn tăng 4,4% so với năm 2011.
Nguyên nhân giá gạo xuất khẩu năm 2012 giảm là do nguồn cung gạo toàn cầu tăng, dự trữ gạo lớn. Theo Th.s Đoàn Thị Mai, Viện Kinh tế- Tài chính, giá gạo của Việt Nam giảm mạnh và bất ổn trong năm 2012 còn vì những thiếu sót trong việc điều hành xuất khẩu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam do nhận định sai tình hình thị trường gạo thế giới nên đã có quyết định neo giá quá cao trong những tháng đầu năm theo giá xuất khẩu của Thái Lan nên rất khó cạnh tranh với các đối thủ khác.
Theo dự báo của các chuyên gia, giá gạo thế giới sẽ tăng 7- 12 USD/tấn từ nay cho tới quý I-2013, bởi chương trình thu mua can thiệp của nước xuất khẩu hàng đầu thế giới là Thái Lan giữ giá tương đối vững mặc dù nguồn cung tương đối dồi dào. Tuy nhiên trong cả năm 2013, giá gạo xuất khẩu có xu hướng giảm, mức giảm khoảng 7-8% so với mức giá cuối năm 2012.
Ngoài áp lực giảm giá gạo do nguồn cung toàn cầu lớn, còn phải kể tới việc một số khách hàng lớn giảm nhập khẩu. Do đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2013 có thể gặp một số khó khăn, trong đó sẽ phải cạnh tranh gay gắt từ gạo Thái Lan do nước này đang chịu áp lực phải xả kho gạo dự trữ.
Trong khi đó, các nước nhập khẩu gạo lớn như Philippines, Indonesia tuyên bố không nhập khẩu trong năm 2013 với mục tiêu tự túc lúa gạo (Indonesia là nước nằm trong top đầu những quốc gia nhập gạo từ Việt Nam có thể giảm lượng gạo nhập khẩu về mức 1,5 triệu tấn trong năm 2013, từ mức khoảng 1,7 triệu tấn trong năm 2012)… cũng là nguyên nhân chính khiến giá gạo xuất khẩu sẽ giảm trong năm 2013.
Trên thực tế, nông sản của Việt Nam trong những năm qua đứng nhất nhì thế giới về sản lượng xuất khẩu nhưng giá vẫn rất thấp so với mức giá xuất khẩu bình quân của thế giới do nông sản của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu dưới dạng thô, chất lượng không ổn định, thiếu tính hợp tác giữa các doanh nghiệp trong một ngành, cùng với đó là cạnh tranh không lành mạnh...
Các chuyên gia thuộc lĩnh vực này khuyến cáo, dù được mùa và đạt đỉnh cao mới về diện tích, sản lượng sản xuất, khối lượng xuất khẩu, nhưng Việt Nam cần phải quan tâm nhiều hơn tới việc phát triển bền vững cây trồng xuất khẩu.
Điều cốt yếu là không nên tiếp tục đi theo hướng tăng khối lượng xuất khẩu mà cần tập trung vào tăng chất lượng để nâng cao giá bán, đồng thời cơ cấu lại chuỗi tiêu thụ để tăng lợi nhuận cho nông dân. Bên cạnh đó, phải đổi mới cơ cấu đầu tư. Nếu tổng vốn đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp không tăng thì thực hiện chuyển vốn từ những ngành khác sang các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, chứ không nên đầu tư dàn trải, thiếu tập trung, không hiệu quả.
Mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp nhằm tăng cường đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Trong Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ rót thêm khoảng 10.000 tỷ tập trung cho các chương trình tín dụng đầu tư kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và làng nghề nông thôn…
Ngoài các giải pháp hỗ trợ trực tiếp, khu vực doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn, nông dân sẽ được hưởng thêm nhiều hỗ trợ gián tiếp khác từ gói 21 giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường năm 2013 mà Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ.
Đây có thể coi là động lực quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ, tăng cường đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân có thêm những bước phát triển mới, góp phần làm tăng giá trị gia tăng của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của chúng ta trong đó có lúa gạo.
(HQ)
Nguồn:Hải quan Việt Nam