menu search
Đóng menu
Đóng

Những lý giải về việc Trung Quốc ráo riết nhập khẩu khoáng sản

15:28 28/02/2014
Các nhà sản xuất khoáng sản nên học cách tránh bị cuốn vào vòng xoáy do các nhà nhập khẩu Trung Quốc tạo ra.
Các nhà sản xuất khoáng sản nên học cách tránh bị cuốn vào vòng xoáy do các nhà nhập khẩu Trung Quốc tạo ra.

Trung Quốc đã nhập khẩu lượng quặng sắt, quặng nickel và bauxite cao kỷ lục trong tháng 1/2014. Nhập khẩu đồng tinh luyện cũng cao thứ 2 trong khi nhập kẽm tinh luyện cao thứ 4 trong lịch sử.

Một số người lý giải việc nhập khẩu tăng vọt là bởi những ngày nghỉ Tết Nguyên đán năm nay rơi vào đầu tháng Hai. Một số khác thì cho rằng người mua muốn hoàn tất các thủ tục hải quan trước kỳ nghỉ dài ngày, và sẽ tốt hơn nếu sử dụng số liệu tháng Hai để so sánh với cùng tháng năm ngoái.

Nhưng có một thực tế rõ ràng là lượng nhập khẩu gia tăng trong tháng Giêng vừa qua chủ yếu được chuyển vào kho dự trữ chứ không phải đáp ứng nhu cầu tức thì.

Trong trường hợp quặng nickel và bauxite, đó là phản ứng trực tiếp do lệnh cấm xuất khẩu khoáng sản chưa qua chế biến của Indonesia, khiến các nhà nhập khẩu Trung Quốc phải tăng dự trữ để tránh khả năng bị gián đoạn nguồn cung có thể gây biến động giá.

Trong các trường hợp khác, nhất là với kim loại đồng, dự trữ của Trung Quốc tăng sẽ chỉ làm trầm trọng thêm những căng thẳng vốn có – có khả năng gây biến động giá theo đà tăng mạnh.

Mua nhiều bauxite và nickel trước khi Indonesia cấm xuất khẩu

Chính phủ Indonesia đã cấm xuất khẩu khoáng sản thô kể từ ngày 12/1/2014, làm giảm mạnh cung hai nguyên liệu chủ chốt cho khách hàng Trung Quốc: Quặng bauxite và nickel.

Không có gì ngạc nhiên khi con số nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 1 cho thấy sự tăng vọt vào sát thời điểm đó, chứng tỏ người mua cố gắng mua càng nhiều càng tốt trước khi cánh cửa xuất khẩu của Indonesia đóng sầm lại.

Nhập khẩu quặng nickel, sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực gang, vào Trung Quốc đã vượt ngưỡng 6 triệu tấn và đạt kỷ lục cao chưa từng có trong lịch sử.


Nhập khẩu bauxite, sử dụng chủ yếu trong ngành luyện nhôm cũng vượt ngưỡng 6 triệu tấn để lập kỷ lục mới.

Nhập khẩu cả hai loại quặng này chắc chắn sụt giảm trong tháng Hai, trừ những đợt hàng lẻ cập cảng Trung Quốc chậm.

Mục tiêu chính của cuộc săn hàng này là nhằm xây dựng kho dự trữ ngăn ngừa khả năng gián đoạn nguồn cung lâu dài từ phía Indonesia.

Mức độ dự trữ chính xác rất khó đoán. Các nhà phân tích thuộc Macquarie Bank ước tính Trung Quốc đã tích lũy tổng cộng 35 triệu tấn nickel và 40 triệu tấn bauxite, đủ dùng trong vòng nhiều tháng.
Chuyển hướng chiến lược kinh doanh hay chờ đợi?

Mặc dù Indonesia mới có một số thay đổi nhỏ trong chính sách xuất khẩu, những thay đổi này chỉ là việc đánh thuế quặng đồng, và không ai hy vọng sẽ có bất kỳ thay đổi lớn nào trong chính sách cấm xuất khẩu quặng nickel hay bauxite.

Trung Quốc hoặc sẽ phải chờ đợi đến khi xuất hiện dòng xuất khẩu trị giá gia tăng mới từ Indonesia, hoặc tìm kiếm các nguồn cung cấp thay thế.

Những dấu hiệu này ngày càng rõ ràng trong trường hợp của bauxite.

Cho tới tháng 4 năm ngoái, nhập khẩu từ Australia chỉ phá ngưỡng trần 1 triệu tấn mỗi tháng trong vòng cả thảy 2 lần. Song kể từ đó, nhập khẩu chỉ giảm xuống dưới ngưỡng này một tháng duy nhất là tháng Mười. Nhập khẩu trong tháng Một vừa qua lên tới 1,42 triệu tấn và không thay đổi nhiều so với những tháng trước đó.

Hơn nữa, các nhà sản xuất nhôm Trung Quốc đã phải lựa chọn thay thế phần bauxite thiếu từ Indonesia bằng alumina trung gian. Nhập khẩu alumina trong tháng 1/2014 đạt 642.000 tấn, cao nhất kể từ tháng 5/2012.

Sẽ càng khó khăn hơn cho ngành gang – nicke (NPI) của Trung Quốc khi thay đổi các nhà cung cấp quặng nickel. Nguồn quặng lớn duy nhất khác là Philippine, nước sản xuất quặng chất lượng thấp hơn (với hàm lượng sắt cao hơn) tốn chi phí nhiều hơn. Do vậy có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ chờ tới khi những nhà máy gang – nickel của Indonesia đi vào sản xuất hơn là tìm nguồn cung cấp quặng thay thế.

Đáng chú ý là một trong số ít các công ty đã nhận được giấy phép xuất khẩu kể từ 12/1/2014 là PT Indoferro, hãng sản xuất gang – nickel đầu tiên của Indonesia.
Căng thẳng các thị trường đồng, kẽm và quặng sắt do nhu cầu thay thế

Nhập khẩu đồng tinh luyện của Trung Quốc đạt 379.000 tấn, cao kỷ lục thứ 2 kể từ tháng 12/2011. Nhập khẩu quặng đồng tháng Một chỉ thấp hơn mức kỷ lục 1,040 triệu tấn của tháng trước đó, trong khi nhập khẩu anôt (anode) đạt kỷ lục mới 80.000 tấn.

Đã có sự thay đổi đáng kể về xu hướng nhập khẩu đồng tinh luyện kể từ quý III/2013.

Các kho dự trữ đồng ở Trung Quốc đang tăng nhanh. Dự trữ tại Sàn giao dịch Kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) đã tăng 13.770 tấn trong tuần kết thúc vào 21/2, và hiện đạt 194.111 tấn, cao nhấ kể từ quý II/2013.
Dự trữ ở các kho ngoại quan Thượng Hải cũng đang tăng lên. Các nhà phân tích thuộc Barclays Capital ước tính tăng khoảng 75.000 tấn lên khoảng 600.000 tấn chỉ trong tháng 1/2014.

Nhập khẩu kẽm cũng đang tăng mạnh, với lượng nhập ròng trong tháng Giêng đạt 90.000 tấn, cao nhất kể từ tháng 3-5/2009, khi chính phủ Trung Quốc tiến hành mua lại kẽm sản xuất trong nước với giá cao hơn giá thị trường để hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước. Hiện tại, kẽm vẫn đang đổ về Trung Quốc mặc dù giá thậm chí cao hơn giá nội địa.

Một số nhà phân tích cho rằng lý do bởi kẽm nhập khẩu sẽ được chuyển vào các kho ngoại quan của Thượng Hải, nơi đang chất đầy kẽm, để thay thế đồng.

Thị trường kẽm thế giới được đánh giá là ít căng thẳng hơn thị trường đồng bởi lượng tồn trữ còn nhiều hơn. Nhiều hợp đồng kẽm kỳ hạn từ giao ngay đến 3 tháng đang rời các kho của LME để chuyển tới Trung Quốc.

Sự săn lùng hàng cũng đang lan sang thị trường quặng sắt. Nhập khẩu nguyên liệu sử dụng trong sản xuất thép này cũng đạt kỷ lục cao mới trong tháng Giêng là 86,83 triệu tấn.

Nhu cầu ở Trung Quốc tiếp tục tăng cao mặc dù tồn trữ quặng sắt ở các cảng đã đạt kỷ lục cao trên 100 triệu tấn, theo số liệu của hãng tư vấn Steelhome.

Một số nhà phân tích, trong đó có Macquarie Bank, đang nhìn hiện tượng này một cách lạc quan khi cho rằng nhập khẩu đang tăng bởi tồn trữ ở các cảng thấp. Tuy nhiên, nếu quặng sắt được sử dụng để thay thế một nguyên liệu khác, nó có thể rơi vào hoàn cảnh biến động giá mạnh.

Có nhiều lý do khiến thị trường kim loại tăng giá, và cũng có nhiều lý do khiến Trung Quốc tăng mạnh hoặc thắt chặt nhập khẩu. Và các nhà sản xuất khoáng sản phải học cách tránh bị cuốn vào vòng xoáy do các nhà nhập khẩu Trung Quốc tạo ra.

Nguồn: Trí Thức Trẻ