menu search
Đóng menu
Đóng

Thương mại Việt Nam – Đan Mạch 9 tháng năm 2009

10:41 09/11/2009
Đan Mạch là một trong những nước phương Tây đầu tiên sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (ngày 25/11/1971). Hai nước đã có quan hệ truyền thống tốt đẹp từ lâu đời. Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế song phương giữa Việt Nam và Đan Mạch phát triển khá thuận lợi.

Trong chuyến viếng thăm chính thức Đan Mạch vào tháng 9/2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặt mục tiêu thương mại song phương Việt Nam - Đan Mạch đạt 1 tỷ USD và đầu tư của Đan Mạch vào Việt Nam cũng sẽ đạt 1 tỷ USD trong những năm tới.

Kể từ khi ký Hiệp định giữa hai Chính phủ ngày 15/7/1992 nối lại  quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước,  cam kết viện trợ của Đan Mạch dành cho Việt Nam tăng dần theo từng năm với mức cam kết trung bình khoảng 64 triệu USD/năm. Viện trợ của Đan Mạch tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực: môi trường, nông nghiệp, quản trị công và cải cách hành chính.

Đồng thời, Chiến lược hợp tác phát triển của Đan Mạch đối với Việt Nam tập trung ưu tiên triển khai mạnh Chương trình tín dụng hỗn hợp. Hiệp định khung mới về Chương trình tín dụng hỗn hợp của Đan Mạch dành cho Việt Nam  đã được ký kết ngày 23/4/2007.  Các dự án sử dụng nguồn tín dụng này chủ yếu tập trung ở 4 lĩnh vực chính là: Công nghiệp chế biến (đặc biệt là chế biến thuỷ sản), cấp thoát nước, môi trường, thiết bị chiếu sáng sân bay. Đây đều là những lĩnh vực Đan Mạch có thể mạnh về kỹ thuật và công nghệ.

Đan Mạch là một cửa ngõ thương mại quan trọng của Việt Nam với thị trường Bắc Âu. Kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng đều qua các năm (năm 2006 đạt 221 triệu USD, 2007 đạt 308 triệu USD, 2008 đạt 318 triệu USD). Năm 2008, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Đan Mạch đạt 172 triệu USD, tăng 24,6%, nhập khẩu đạt 146 triệu USD, giảm 14,6%. Sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Đan Mạch chủ yếu là hàng dệt may, giầy dép, đồ gỗ, hải sản, cà phê... Việt Nam nhập khẩu từ Đan Mạch các sản phẩm máy móc thiết bị, vải, hoá chất...

9 tháng năm 2009, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt nam sang Đan Mạch đạt 116,56 triệu USD, trong đó hàng dệt may đạt kim ngạch cao nhất với 26,5 triệu USD, chiếm 22,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam nhập khẩu từ thị trường Đan Mạch những sản phẩm như: sữa và sản phẩm sữa, dược phẩm, sắt thép các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da giày…. 9 tháng năm 2009, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam từ thị trường này đạt 140,12 triệu USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong các chủng loại hàng nhập trong 9 tháng qua, thì mặt hàng sữa và sản phẩm sữa đạt cao nhất với 39,47 triệu USD, chiếm 28,17% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này và tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

 Xuất khẩu của  Việt Nam sang Đan Mạch 9 tháng đầu năm 2009

Mặt hàng

Trị giá (USD)

Hàng dệt may

26.518.015

Hàng thủy sản

15.984.672

Gỗ và sản phẩm gỗ

13.442.170

Giày dép các loại

9.692.278

Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác

9.542.853

Sản phẩm từ sắt thép

7.534.597

Sản phẩm gốm sứ

3.233.777

Sản phẩm từ chất dẻo

2.798.797

Túi xách, ví, va li, mũ và ô dù

2.098.047

Cà phê

1.563.637

Sản phẩm mây, tre, cói và thảm

1.032.454

Phương tiện vận tải và phụ tùng

875.612

Tổng cộng

116.566.692

(Nguồn: Tổng cục Hải quan Việt Nam)

 Đan Mạch cũng là nước Bắc Âu sớm đầu tư vào Việt Nam. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay (tính tới 7/2009), Đan Mạch đứng thứ 25 trong tổng số 87 nước, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư trên 493,57 triệu USD.

Các công ty Đan Mạch biết đến Việt Nam như là địa điểm đầu tư khá hấp dẫn, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất và gia công, do các yếu tố lao động trẻ, rẻ, được đào tạo tốt, một nền kinh tế đang phát triển năng động và các chính sách đầu tư thông thoángvà cởi   mở của Chính phủ Việt Nam. Các nhà đầu tư Đan Mạch đầu tư vào Việt Nam trong một số lĩnh vực có thế mạnh như: sản xuất bia, tinh bột sắn, vật liệu xây dựng và vận tải biển.

Đan Mạch đầu tư chủ yếu vào Việt Nam theo hình thức liên doanh, với 36 dự án có tổng số vốn đầu tư 345,6 triệu USD. Hình thức doanh nghiệp 100% vốn  nước ngoài có 33 dự án, tổng vốn đầu tư là 124,9 triệu USD và 5 doanh nghiệp theo hình thức công ty cổ phần với vốn đầu tư là 23 triệu USD.

Một số dự án tiêu biểu của Đan Mạch tại Việt Nam:

-Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép (187 triệu USD), khai thác cảng liên doanh giữa Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Cảng Sài Gòn và Tập đoàn APM Terminals (APM Terminals trực thuộc Tập đoàn A.P.Moller- Maersk của Đan Mạch). Cảng quốc tế Cái Mép đã được khởi công xây dựng từ tháng 5/2008 với thiết kế cầu cảng dài 600 mét, công suất hơn 1,1 triệu TEU, có khả năng đón các tàu container có trọng tải lớn đạt 160.000 DWT, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2010.

-Nhà máy bia Đông Nam Á (79,6 triệu USD) và Công ty Bia Huế (48,6 triệu USD), chủ đầu tư phía Đan Mạch là công ty Carlsberg International.

- Công ty TNHH Sonion (25 triệu USD), sản xuất sản phẩm công nghệ âm thanh siêu nhỏ, vi cơ điện tử.

-Công ty TNHH Maersk Việt Nam (1 triệu USD), kinh doanh dịch vụ đại lý vận tải hàng hoá đường biển.

Nguồn:Vinanet