menu search
Đóng menu
Đóng

Tình hình nhập khẩu bông từ châu Phi

10:25 18/12/2013

Theo số liệu thống kê của Tổng Cục hải quan Việt Nam, tính từ đầu năm cho đến hết tháng 9, cả nước đã nhập khẩu 434.200 tấn bông, trị giá 869,1 triệu USD, tăng 45,99% về lượng và tăng 34,37% về trị giá so với cùng kỳ. Trong đó nhập khẩu bông từ châu Phi đạt 139.452 tấn, trị giá 165,2 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2012.
 
 

Dẫn nguồn tin từ Tạp chí Công Thương, theo số liệu thống kê của Tổng Cục hải quan Việt Nam, tính từ đầu năm cho đến hết tháng 9, cả nước đã nhập khẩu 434.200 tấn bông, trị giá 869,1 triệu USD, tăng 45,99% về lượng và tăng 34,37% về trị giá so với cùng kỳ. Trong đó nhập khẩu bông từ châu Phi đạt 139.452 tấn, trị giá 165,2 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2012.

Tính đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu bông nguyên liệu từ 17 nước trên tổng số 55 quốc gia châu Phi. Các nước cung cấp chính chủ yếu nằm ở khu vực Tây Phi và một số nước Đông Phi gồm Mali (34,2 triệu USD), Bờ Biển Ngà (31,47 triệu USD), Burkina Faso (24 triệu USD), Benin (20 triệu USD), Togo (11,68 triệu USD), Tanzania (8,5 triệu USD), Mozambique (7,6 triệu USD), Cameroon (6,3 triệu USD), Zimbabwe (4,6 triệu USD), Chad (3,6 triệu USD), Uganda (3,2 triệu USD), Nigeria (2,7 triệu USD), Malawi (2 triệu USD), Ghana (1,5 triệu USD)...

Cùng với điều thô và gỗ, bông là loại hàng hóa chính mà Việt Nam nhập khẩu từ khu vực Châu Phi.

Các doanh nghiệp Việt Nam cho biết bông châu Phi có chất lượng khá tốt, giá thành hợp lý, phù hợp với yêu cầu sản xuất của ta. Phần lớn bông của châu Phi đều được hái bằng tay, tỷ lệ xơ ngắn thấp, tỷ lệ đồng đều về sợi cao, đặc biệt về cường lực và độ chín tương đối tốt. Bên cạnh đó là ưu thế về giá cả, sản phẩm bông của châu Phi có tính cạnh tranh hơn so với các thị trường khác.Trong những năm tới, khi mà sản xuất bông trong nước chưa thể đáp ứng được nhu cầu của ngành dệt may, thị trường bông châu Phi vẫn là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp.

Tuy Việt Nam nhập khẩu bông từ châu Phi với số lượng lớn, nhưng hầu hết các doanh nghiệp của ta đều phải nhập qua trung gian, là các công ty thương mại của Pháp, Thụy Sỹ, Ấn Độ chứ không mua trực tiếp từ nhà sản xuất. Thực tế này đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp của cả hai bên. Trước tiên, doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản chi phí cho trung gian dẫn đến giá thành mua nguyên liệu đầu vào cao so với nhập khẩu trực tiếp.

Tiếp đến là do sản lượng thấp nên quá trình phân loại bông của châu Phi chưa cao như ở Mỹ hay một số thị trường khác, tỷ lệ tạp chất cao. Để đạt được hiệu quả và khắc phục những vấn đề trên, các doanh nghiệp cần phải đa dạng nguồn hàng và phối hợp pha trộn các nguồn nguyên liệu khác nhau theo những tỷ lệ nhất định. Do nhập khẩu qua trung gian nên việc phản hồi chất lượng bông đến nhà sản xuất rất phức tạp và mất thời gian, bởi việc khiếu nại hoặc thắc mắc phải thực hiện qua bên thứ ba. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch sản xuất và giao hàng của nhà nhập khẩu.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp khó khăn như thiếu hệ thống ngân hàng hỗ trợ giao dịch, thiếu hệ thống logistic phù hợp, khoảng cách địa lý xa xôi, chi phí vận chuyển cao và vẫn xảy ra tình trạng lừa đảo thương mại, không tôn trọng hợp đồng, các rào cản về văn hóa, ngôn ngữ.

Để góp phần giải quyết những khó khăn khi nhập khẩu bông từ châu Phi, tháng 8/2011, trong khuôn khổ hợp tác với Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Bộ Công Thương phối hợp với ITC, Hiệp hội dệt may, Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam đã tổ chức hai Hội thảo mang tên “Chuỗi giá trị và Minh bạch thị trường-Thúc đẩy xuất khẩu bông của các nước Đông và Nam Phi sang Việt Nam” tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tham gia Hội thảo có đại diện các Bộ, ngành, ITC, 26 doanh nghiệp xuất khẩu bông đến từ 8 nước khu vực Đông, Nam Phi và đông đảo doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh bông, sợi, dệt may, phân bón, hóa chất và máy nông nghiệp… Năm 2013, Bộ Công Thương, VCCI và một số cơ quan hữu quan đã tổ chức Cuộc gặp giữa các ngân hàng thương mại Việt Nam với các ngân hàng thương mại của châu Phi tại Việt Nam và Cameroon để tạo điều kiện cho hai bên thiết lập quan hệ hợp tác, giúp doanh nghiệp thuận lợi trong khâu thanh toán.

Trong thời gian tới, bên cạnh hoạt động thương mại thông thường, các doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét phương hướng liên doanh liên kết, mở văn phòng đại diện, đầu tư chế biến sang thị trường châu Phi, tạo thuận lợi cho việc giao dịch trực tiếp và tận dụng nguồn nhân công lành nghề, nguyên liệu dồi dào của địa phương, khai thác những lợi thế về thuế quan mà các nước châu Phi được hưởng để xuất khẩu hàng sang EU, Mỹ và những nước khác trong khu vực.

 

Nguồn:Vinanet